Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sốc phản vệ - chớ xem thường!

Thu Trang| 10/04/2019 07:15

(HNM) - Không chỉ xảy ra tại bệnh viện, cơ sở y tế, sốc phản vệ còn xuất hiện ở ngoài cộng đồng và có thể lấy đi tính mạng nạn nhân nhanh chóng.


Nhiều nguyên nhân, nhưng hàng đầu là tiêm truyền

Tỷ lệ mắc sốc phản vệ ở châu Âu là 4-5 trường hợp/10.000 dân, ở Mỹ là 58,9 trường hợp/100.000 dân. Còn ở nước ta, hiện Bộ Y tế chưa có thống kê cụ thể về số ca sốc phản vệ tại các cơ sở y tế. Thế nhưng, thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ.

Cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ để phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, tử vong do sốc phản vệ gây ra. Ảnh: Thái Hiền


Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Quang, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện K), sốc phản vệ là phản ứng dị ứng hệ thống cấp, phát sinh khi có sự xâm nhập của “yếu tố lạ” (dị nguyên) vào cơ thể. Tác động của sốc phản vệ lên cơ thể rất nhanh, gây phù nề, xuất tiết niêm mạc và co thắt cơ trơn (phế quản và ruột) dẫn đến trụy tim mạch, suy hô hấp… và dễ tử vong. Sốc phản vệ xảy ra ở những cơ thể có cơ địa dị ứng. Điều đó có nghĩa, với cùng một liều lượng, tốc độ và thời gian hấp thụ, phơi nhiễm, phản ứng sốc phản vệ có thể xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra ở người khác. Phần lớn tử vong do sốc phản vệ là không thể dự báo trước. Dị nguyên gây sốc phản vệ thường có 4 nhóm chính, đó là thuốc (thuốc tiêm hay truyền dịch), thức ăn, nọc côn trùng, phấn hoa (hay nấm mốc). Trong số các nguyên nhân, tiêm truyền là một trong những “con đường” gây sốc phản vệ với tỷ lệ cao.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) lo ngại, dù được cảnh báo rất nhiều nhưng không ít người chỉ cần thấy mệt mỏi, ăn uống kém, ngủ ít, hay muốn đẹp da cũng nghĩ đến việc truyền dịch, truyền nước hoa quả để phục hồi sức khỏe. Thậm chí, họ còn liều lĩnh mời bác sĩ hay điều dưỡng tới nhà truyền dịch mà không biết rằng có không ít người bị sốc phản vệ, thậm chí tử vong do dị ứng với một trong những thành phần của dịch truyền. “Trong lĩnh vực y tế, mặc dù kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng những tai biến lại có thể xảy ra rất bất ngờ. Do đó, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, việc truyền dịch phải được tiến hành ở các bệnh viện, cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn, có dụng cụ và thiết bị xử lý chống sốc kịp thời”, ông Nguyễn Quang Trung cho biết.

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, số bệnh nhân cấp cứu do sốc phản vệ ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là người dân sử dụng thuốc tùy tiện, lạm dụng truyền dịch, mỹ phẩm, tác động của can thiệp y khoa, “dao kéo” làm đẹp… Đơn cử như việc sử dụng thuốc gây mê trên cơ địa dị ứng với loại thuốc này sẽ gây ra sốc phản vệ, thậm chí nhân viên y tế chưa kịp can thiệp gì bệnh nhân đã tử vong.

Không chỉ do thuốc, có những trường hợp sốc phản vệ do dị ứng thức ăn. GS.TS Nguyễn Gia Bình dẫn chứng, có người chỉ ăn một hạt lạc, một con nhộng hay dọc mùng cũng bị sốc phản vệ. Tại Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ hơn 20 tuổi bị dị ứng với dọc mùng. Khi ăn dọc mùng lần 1, bệnh nhân thấy ngứa mồm và đến lần 2 thấy khó thở, co thắt như bị hen nặng. Chủ quán bún phải nhờ người đưa đến bệnh viện nhưng do thiếu ôxy não, bệnh nhân đã không qua khỏi. Hay trường hợp một bệnh nhi 14 tuổi, nhập viện trong tình trạng khó thở, da đỏ, huyết áp tụt, phù nề, hôn mê sau bữa cơm với nhộng rang. May mắn, sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh lại…

Tránh sốc phản vệ bằng cách nào?

GS.TS Nguyễn Gia Bình cho rằng, nếu thấy bệnh nhân có dấu hiệu bị sốc phản vệ mà cấp cứu ngay, xử lý trong vòng 10 giây thì 80-90% có thể cứu được tính mạng. Đây là tai biến y khoa không mong muốn và xảy ra đột ngột, kể cả ở những người khỏe mạnh. Chỉ vài phút huyết áp tụt, mạch không bắt được mà không đưa mạch được trở về bình thường, bệnh nhân có nguy cơ ngừng tuần hoàn. Chính vì vậy, để xử trí sốc phản vệ, nhân viên y tế phải có chuyên môn, có kinh nghiệm lâu năm, kèm theo đó là phương tiện, dụng cụ cấp cứu tại chỗ.

Ông Nguyễn Quang Trung khuyến cáo, người dân không nên tự ý truyền dịch tại nhà hay tại các phòng khám. Tuyệt đối không được coi truyền dịch là biện pháp tăng cường sức khỏe. Riêng với những người già, thận yếu, việc truyền dịch còn có thể khiến phù não, tai biến... Nếu bắt buộc phải truyền dịch thì người bệnh nên thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ. Ngoài ra, người dân lưu ý, khi sử dụng thuốc hay ăn các món ăn thấy mẩn ngứa, khó chịu cần dừng ngay và lập tức đến các cơ sở y tế gần nhất, tránh để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, tử vong do sốc phản vệ gây ra, theo ông Nguyễn Quang Trung, nếu có tiền sử dị ứng, khi đi khám bệnh hãy trao đổi kỹ với bác sĩ để có những chỉ định thuốc, can thiệp y khoa phù hợp. Ngoài ra, khi đang tiêm thuốc, nếu thấy có những cảm giác khác thường như: Bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi, mẩn ngứa, buồn nôn, nhịp tim nhanh, khó thở… hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sốc phản vệ - chớ xem thường!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.