Ngày 7-9, hãng tin Al Jazeera công bố báo cáo mới cho thấy sự gia tăng đáng báo động trong các trường hợp ung thư khởi phát sớm, nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra thêm và các biện pháp phòng ngừa.
Nghiên cứu bao gồm dữ liệu từ 204 quốc gia, trải dài trên 29 loại ung thư và đi sâu vào các trường hợp mới, tử vong, tác động sức khỏe và các yếu tố nguy cơ góp phần cho những người từ 14 đến 49 tuổi, đo lường những thay đổi từ năm 1990 đến năm 2019.
Kết quả cho thấy, từ năm 1990 đến năm 2019, tỷ lệ mắc ung thư khởi phát sớm trên toàn cầu đã tăng từ 1,82 triệu trường hợp lên 3,26 triệu trường hợp. Tỷ lệ tử vong ở người trưởng thành ở độ tuổi 40, 30 hoặc trẻ hơn tăng 27%, đồng nghĩa có hơn 1 triệu bệnh nhân dưới 50 tuổi chống chọi với ung thư mỗi năm. Số ca chẩn đoán ung thư ở người dưới 50 tuổi đã tăng 80% trong giai đoạn này.
Riêng năm 2019, đã có tổng cộng 1,06 triệu người dưới 50 tuổi thiệt mạng vì ung thư, tăng 27% so với thống kê năm 1990.
"Tình trạng này có một phần đến từ sự gia tăng dân số (toàn cầu), những cải thiện trong công nghệ sàng lọc và các công nghệ nhận biết, song song nhiều yếu tố về lối sống như hút thuốc, sử dụng bia rượu, bệnh béo phì, thiếu tập thể dục và thiếu trái cây và rau quả tươi...", bác sĩ Sayed Ali tại Bệnh viện St John of God Subiaco ở Perth (Australia) nhận định.
Cũng theo bác sĩ Ali, thay đổi lối sống là yếu tố rất quan trọng để giải quyết tình trạng gia tăng các trường hợp ung thư trên toàn thế giới, đặc biệt là giới trẻ.
Dữ liệu từ nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ và muối, ít trái cây và sữa, cùng với sử dụng thuốc lá và rượu, là những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư phổ biến nhất ở người dưới 50 tuổi. Không hoạt động thể chất, thừa cân và lượng đường trong máu cao cũng làm gia tăng rủi ro.
Theo thống kê, ung thư vú chiếm số ca mắc và tử vong liên quan cao nhất, với lần lượt là 13,7 và 3,5 trường hợp trên 100.000 người. Trong khi đó, ung thư khí quản và ung thư tuyến tiền liệt có sự gia tăng nhanh nhất trong các trường hợp khởi phát sớm, với tỷ lệ ước tính hằng năm lần lượt là 2,28% và 2,23%.
Ngược lại, các trường hợp ung thư gan khởi phát sớm đã giảm khoảng 2,88% mỗi năm. Số ca tử vong tăng mạnh nhất xảy ra ở những người bị ung thư thận hoặc buồng trứng.
Nghiên cứu mới cũng chỉ ra, các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ung thư khởi phát sớm là Bắc Mỹ, châu Đại Dương và Tây Âu. Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng không tránh khỏi xu hướng này, với tỷ lệ tử vong cao nhất trong số những người dưới 50 tuổi được quan sát thấy ở châu Đại Dương, Đông Âu và Trung Á.
Đặc biệt, ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, ung thư khởi phát sớm có ảnh hưởng sâu sắc hơn đến phụ nữ, nhất là trên hai phương diện suy giảm sức khỏe và tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.