Ngày 11-8, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng tăng và tăng nhanh hơn so với tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 10%/năm. Trong đó, nữ giới tham gia rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều hơn nam giới, chiếm 55% và 80% người rút bảo hiểm xã hội một lần có độ tuổi từ 20-40 tuổi và tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 58% tổng số người hưởng.
Sau khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội (chiếm khoảng 26% số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn này).
Riêng trong năm 2022, số trường hợp được giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần gần 1 triệu người, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến hết tháng 5-2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 17,47 triệu người, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần cũng chính là tự tiêu vào của tích lũy để dành khi về hưu… Nếu sử dụng quyền của người lao động có đóng có hưởng, sau khi rút bảo hiểm xã hội một lần, về già lại nhận trợ cấp xã hội (tiền trợ cấp từ nhà nước) chưa thật sự công bằng.
Về nguyên nhân của tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ông Đỗ Ngọc Thọ cho rằng, đây là do đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Tỷ lệ lao động trẻ rút bảo hiểm ngày càng nhiều bởi có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần…
Để khắc phục tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Đỗ Ngọc Thọ cho rằng cần hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần sửa đổi theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn; tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn… Đặc biệt, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cần tăng cường nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân nói chung và người tham gia bảo hiểm xã hội nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.