(HNMO) - Bất bình đẳng tăng cao có thể khiến cuộc chiến chống đói nghèo chậm lại hàng thập kỷ, số lượng tỷ phú trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế.
Báo cáo “Thu hẹp khoảng cách: Đã đến lúc xóa bỏ bất bình đẳng cực đoan” vừa được công bố chỉ ra rằng, trong khi những người giàu nhất thế giới sở hữu nhiều tiền hơn số họ có thể chi tiêu thì hàng trăm triệu người khác phải sống trong cảnh túng quẫn, thiếu hụt những điều kiện chăm sóc y tế và giáo dục cơ bản.
Theo công bố hồi tháng 3/2013 của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng 44 tuổi, được xếp vị trí thứ 974 trong danh sách gồm 1.426 tỷ phú trên toàn thế giới. Nguồn: Internet |
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, thịnh vượng không được san sẻ cho những người bình thường mà chỉ dành cho những người ở vị trí cao, những người mà của cải thậm chí đang gia tăng một cách chóng mặt. Theo một danh sách được Oxfam công bố vào tháng 1/2014, 85 người giàu nhất hiện đang nắm giữ khối lượng tài sản bằng tổng số tài sản của một nửa số dân nghèo nhất thế giới cộng lại. Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2014, tài sản của những người này được cộng thêm 668 triệu USD mỗi ngày, tương đương với gần nửa triệu USD mỗi phút.
Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới nhìn nhận vấn đề gia tăng bất bình đẳng như một thách thức lớn của thời đại. Tuy nhiê, dù biết rõ những thiệt hại về mặt kinh tế và xã hội là không thể tránh khỏi nếu không có những hành động kịp thời, chúng ta gần như vẫn chưa làm gì để thay đổi tình hình.
Báo cáo của Oxfam đã mở đầu cho một chiến dịch mới mang tên "Thu hẹp Khoảng cách", nhằm vận động các nhà lãnh đạo thế giới biến lời nói thành hiện thực và đảm bảo những người nghèo nhất được đối xử bình đẳng hơn. Cần hành động để ngăn chặn tình trạng trốn thuế của những tập đoàn đa quốc gia và những cá nhân giàu có nhất thế giới. Những tập đoàn quốc tế lớn và những người giàu có nhất cần đóng góp công bằng vào ngân sách nhà nước, để các quốc gia có thể xóa bỏ sự bất bình đẳng và xây dựng xã hội công bằng hơn.
Theo báo cáo, đầu tư vào các dịch vụ công miễn phí sẽ là giải pháp thiết yếu để thu hẹp khoảng cách giữa nhóm những người giàu nhất và nhóm còn lại. Hàng năm,100 triệu người rơi vào cảnh nghèo khổ vì họ buộc phải chi trả cho dịch vụ y tế. Trong giai đoạn 2009-2014, ít nhất 1 triệu phụ nữ đã chết khi sinh con do không được tiếp cận những dịch vụ y tế cơ bản.Thêm vào đó, chi phí giáo dục vẫn nằm ngoài khả năng tài chính của nhiều gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.