(HNMCT) - Nhiều vở diễn, trích đoạn kinh điển đang được các nhà hát truyền thống dốc sức ghi lại để tạo ra một kho dữ liệu số hóa phong phú, mang đến cơ hội tiếp cận, học tập, nghiên cứu rộng rãi cho công chúng. Cùng với đó là việc đẩy mạnh các hoạt động biểu diễn trực tuyến, “nhà hát số” - cách để các nhà hát nuôi dưỡng một lớp khán giả riêng cho loại hình nghệ thuật này, đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống.
Thú vị sân khấu online
Với những buổi livestream đều đặn, fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam đang trở thành điểm giải trí thú vị của người yêu nghệ thuật truyền thống. Dù dịch bệnh căng thẳng nhưng những minishow “Giữ lửa đam mê” vẫn là cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả, giúp cho nhịp thưởng thức nghệ thuật không bị gián đoạn. Mỗi tuần, khán giả lại được thưởng thức một buổi biểu diễn trực tiếp của 1 - 2 nghệ sĩ thuộc nhà hát. Hầu hết video trong show này được đăng tải trên fanpage của nhà hát đều có hàng chục nghìn lượt xem. Riêng video của nghệ sĩ Hà Việt Cường (phát trực tiếp ngày 12-9) thu hút hơn 33 nghìn lượt xem, 2,3 nghìn bình luận - một con số đáng nể với biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Trên fanpage của nhà hát, nhiều khán giả thừa nhận cách tiếp cận của Nhà hát Chèo Việt Nam rất hay, phù hợp với tình hình hiện nay. Khán giả Hưng Lê bình luận: “Mỗi tuần mới lại được gặp các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam trên livestream, cảm giác giữa nghệ sĩ và khán giả thật gần gũi trong ngôi nhà nghệ thuật chèo”.
Thời gian qua, nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống phải xoay xở để thích nghi dần với việc tổ chức các sân khấu online. Bài bản nhất có thể kể đến dự án “Nhà hát online” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chỉ đạo các nhà hát xây dựng và biểu diễn phục vụ khán giả trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua.
Theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Cục đã làm việc với 12 nhà hát trực thuộc Bộ để lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình và các nền tảng trực tuyến. Trong số đó có nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Trung ương.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp, việc triển khai các chương trình online của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là rất thiết thực. Những chương trình này đã đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống lên các nền tảng trực tuyến như website, Facebook, YouTube... để đến gần hơn với khán giả.
Một yêu cầu tất yếu
Số hóa là yêu cầu tất yếu của các nhà hát trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống, mang đến cho công chúng cơ hội tiếp cận, nghiên cứu các giá trị của nghệ thuật dân tộc.
Nhà hát Chèo Việt Nam là một trong số ít những đơn vị đã thực hiện số hóa một cách bài bản và gặt hái được thành công đáng ghi nhận. Ngoài việc đưa vào hoạt động các kênh trực tuyến một cách hiệu quả như kể trên, nhà hát đã số hóa được một lượng lớn tác phẩm kinh điển. Theo NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, trước thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhà hát đã hoàn thiện việc dàn dựng và ghi hình 7 vở chèo truyền thống: “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”, “Nàng Thiệt Thê”, “Súy Vân”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Trinh Nguyên”, “Từ Thức”. Đây là 7 vở diễn mẫu mực của nghệ thuật chèo Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng tổ chức thu âm các làn điệu chèo cổ, hoàn thiện tư liệu về hình ảnh và âm thanh, giúp công chúng yêu nghệ thuật chèo có thể nhận diện các vai diễn, vở diễn chèo truyền thống. Đây là việc làm cần thiết của một nhà hát đầu ngành với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo.
Với quan điểm số hóa để vừa duy trì, bảo tồn các giá trị nghệ thuật của dân tộc, đồng thời cũng tạo nên "món ăn tinh thần" cho người dân, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã xây dựng kênh YouTube riêng để đăng tải các trích đoạn, các vở tuồng đặc sắc nhất do các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện. Những video này thu hút hàng chục nghìn lượt xem cùng nhiều bình luận tích cực, cho thấy việc tiếp cận khán giả qua kênh này là hiệu quả.
Rõ ràng, bên cạnh việc thu hút khán giả, việc xây dựng kho tư liệu mở các tác phẩm nghệ thuật truyền thống cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng của các nhà hát. Việc số hóa nghệ thuật truyền thống và tiếp cận tích cực, cởi mở với công chúng thông qua các kênh truyền thông trực tuyến cho thấy đây thực sự là “một mũi tên trúng nhiều đích”, cần được phát huy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.