Theo dõi Báo Hànộimới trên

Số ca thủy đậu tăng gần gấp đôi, ghi nhận chùm ca bệnh tại trường mầm mon, tiểu học

Thu Trang| 03/04/2023 13:26

(HNMO) - Sáng 3-4, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc thủy đậu trên địa bàn thành phố trong tuần qua đã tăng gần gấp đôi so với tuần trước, trong đó ghi nhận một số chùm ca bệnh tại các trường mầm non, tiểu học.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 24 đến 31-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 166 ca mắc thủy đậu (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó). Đặc biệt, xuất hiện một số chùm ca bệnh tại các trường mầm non, tiểu học.

Cụ thể, chùm ca bệnh tại Trường Mầm non Chu Minh, huyện Ba Vì với 12 trường hợp mắc thủy đậu; Trường Mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ có 9 trường hợp; Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì có 20 trường hợp; Trường Mầm non Hạ Bằng, huyện Thạch Thất có 12 trường hợp.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 800 ca mắc thủy đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 11 ca) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Vệ sinh lớp học phòng chống bệnh thuỷ đậu.

CDC Hà Nội dự báo, thời tiết giao mùa như hiện nay, bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng. Do đó, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

“Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục trong công tác phòng, chống, xử lý các chùm ca bệnh thủy đậu trong trường học. Đồng thời, theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh”, CDC Hà Nội nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Phùng Quốc Toán, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ), bệnh thủy đậu là bệnh do vi rút Varicella-zoster gây ra, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ai cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Bệnh dễ lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như: Nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho…; hoặc có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung đồ sinh hoạt hằng ngày với người bệnh. Bệnh thường có triệu chứng xuất hiện từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm vi rút, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn.

Để phòng, chống bệnh thủy đậu hiệu quả, theo bác sĩ Phùng Quốc Toán, người dân cần đưa trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên tiêm vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan trong cộng đồng.

Người dân cũng cần chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, trường học. Khi trẻ có những biểu hiện sốt, mẩn nốt, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Số ca thủy đậu tăng gần gấp đôi, ghi nhận chùm ca bệnh tại trường mầm mon, tiểu học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.