(HNMO) - Chiều 24-1, theo tin từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 4 ngày nghỉ Tết (từ 7h sáng 29 Tết đến 7h sáng mùng 3 Tết), số ca nhập viện do pháo nổ, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt… đều gia tăng. Chính vì vậy, tại các bệnh viện trong đêm giao thừa, hay mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết…, hàng nghìn y, bác sĩ vẫn tất bật chăm sóc, điều trị cho người bệnh.
Xuyên Tết cấp cứu người bệnh
Dù đang trong những ngày nghỉ Tết, nhưng không khí làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức vẫn rất khẩn trương. Khu vực phòng mổ cấp cứu của bệnh viện luôn sáng đèn 24/24 giờ.
Để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh và cấp cứu cho người dân trong những ngày nghỉ Tết, bệnh viện đã lên kế hoạch trực 4 cấp, đồng thời, huy động 369 nhân viên y tế trong 1 tua trực ngày Tết. Riêng Khoa Cấp cứu, kíp trực luôn có 15 bác sĩ, 10 điều dưỡng cùng nhiều bác sĩ nội trú, sinh viên thực tập, hộ lý và lực lượng hỗ trợ khác.
2h sáng 30 Tết, anh N.G.H (35 tuổi, ở Hà Tĩnh) được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong tình trạng đa chấn thương sau tai nạn giao thông. Chăm chồng tại bệnh viện, vợ anh H kể: “Vừa ra khỏi nhà khoảng 1km thì chồng tôi bị một chiếc ô tô đi ngược chiều, lấn làn, chạy với tốc độ cao đâm trực diện. Tai nạn khiến chồng tôi bị thương rất nặng, nên được chuyển gấp ra Hà Nội”. Theo các bác sĩ, trong những ngày Tết, các ca nhập viện chủ yếu vẫn là tai nạn giao thông, chiếm khoảng 70-80% tổng số bệnh nhân tới khám tại bệnh viện.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Hòa, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) chia sẻ, ngày Tết là lúc các gia đình sum vầy. Thế nhưng, trách nhiệm và nghĩa vụ của người thầy thuốc luôn thôi thúc các y, bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ.
“Có 2 khoảng thời gian khác nhau khi tham gia trực Tết. Từ 30 Tết đến mùng 1 Tết, số lượng tai nạn giao thông cũng như số lượng khám cấp cứu có xu hướng giảm hơn. Thế nhưng, từ khoảng sau mùng 2 Tết, khi số lượng người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia tăng đáng kể, thì số lượng bệnh nhân cũng tăng. Trung bình một ngày vào thời điểm này, Phòng Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 trường hợp tai nạn giao thông liên quan tới rượu, bia”, bác sĩ Nguyễn Xuân Hòa cho biết.
Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, sau 4 ngày nghỉ Tết (từ 7h sáng 29 Tết đến 7h sáng mùng 3 Tết), tại các bệnh viện trên cả nước, đã có 16.326 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông (tăng 3,7% so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022). Trong đó, có 6.094 trường hợp phải nhập viện (tăng 16% so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022) và đã có 179 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về (tăng 17 ca tử vong so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022).
Cùng với tai nạn giao thông, trong 4 ngày nghỉ Tết, các bệnh viện đã tiếp nhận 7.829 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động (chiếm 5,1% trong tổng số khám, cấp cứu tại bệnh viện), trong đó có 13 trường hợp tử vong.
Đối tượng dễ gặp tai nạn thương tích, tai nạn sinh hoạt trong những ngày Tết chính là trẻ nhỏ. Các tai nạn thường gặp ở trẻ, như: Bỏng, pháo nổ, hóc dị vật, ngộ độc thực phẩm hay ngộ độc do uống nhầm hóa chất, té ngã, điện giật, tai nạn giao thông, đuối nước…
Điển hình như trường hợp của bệnh nhi N.G.H. (3 tuổi, ở Thanh Hóa), khi đang chơi tại nhà ông bà, bé đã chui vào gầm bàn gấp. Trong lúc vui đùa, ngực của bệnh nhi bị kẹp giữa hai chân bàn không thở được. Khi gia đình phát hiện thì bệnh nhi đã tím tái. Bệnh nhi được chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh đến Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, mạch bắt yếu, huyết áp thấp, hôn mê…
Tương tự, bé L.A (10 tuổi, ở Nghệ An) đang chơi trong vườn thì thấy ống nước màu đỏ nên bẻ ra uống. Sau khoảng 30 phút, bé A xuất hiện triệu chứng nôn, lơ mơ, co giật. Bé A được đưa vào bệnh viện huyện, đặt ống nội khí quản rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán, bé bị ngộ độc thuốc diệt chuột. Dù đã được điều trị, chăm sóc tích cực, nhưng bé A đã tử vong sau gần 1 ngày vào viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 4-5 ca tai nạn thương tích ở trẻ với rất nhiều hình thái, như: Vết thương ngoài da, chảy máu, bong gân, gãy xương, chấn thương các tạng, bỏng, đuối nước, ngộ độc, hóc dị vật... Đặc biệt, số trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích, tai nạn sinh hoạt đều tăng cao hơn trong những ngày Tết.
“Với những trẻ sống ở các đô thị lớn, dịp Tết được cùng gia đình về những vùng nông thôn đón Tết. Với môi trường mới, nhiều điều lạ lẫm với trẻ, nhất là những nơi có ao, hồ, sông, ngòi… khiến trẻ tò mò, khám phá nên nguy cơ gặp phải tai nạn thương tích là rất cao. Trong khi đó, người lớn nhiều khi vì bận rộn nên lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc gây nguy hại sức khỏe, tính mạng”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng lưu ý.
Để ngày Tết được trọn vẹn, an toàn…
Cũng ghi nhận sự gia tăng về số ca nhập viện trong dịp Tết là tai nạn do pháo nổ. Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, sau 4 ngày nghỉ Tết (từ 7h sáng 29 Tết đến 7h sáng mùng 3 Tết), đã có 365 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại (nhiều hơn 133 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022), không có ca tử vong. Ngoài ra, có 29 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, trong đó ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
Về số ca cấp cứu do ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, tính từ 7h sáng mùng 2 Tết đến 7h sáng mùng 3 Tết, tổng số ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn là 141 trường hợp (tăng 9,3% so với cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022), trong đó, có 67 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia. Ngoài ra, ghi nhận 5 trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.
Như vậy, trong 4 ngày nghỉ Tết (từ 7h sáng 29 Tết đến 7h sáng mùng 3 Tết), đã có 449 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu. 4 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).
Những con số trên một lần nữa cho thấy, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là số ca ngộ độc rượu và các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu lại gia tăng. Năm nay, cũng không phải là một ngoại lệ, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về vấn đề này.
Để niềm vui được trọn vẹn, đặc biệt trong Tết đoàn viên, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia lưu ý một số mẹo giúp bạn tránh bị say khi sử dụng rượu, bia. Đó là, nên uống rượu từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời, giúp gan có thời gian để kịp ô xy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu. Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước hoa quả hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn, đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày…
“Rượu không chỉ gây ra nguy cơ ngộ độc, gia tăng tai nạn giao thông mà còn làm tăng tính bốc đồng, thay đổi tâm trạng nên khi quá chén dễ xảy ra tranh cãi, xô xát… Chính vì vậy, mọi người dù vui đến mấy cũng cần phải ý thức được nguy cơ của việc quá chén”, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.