(HNMO) - Tới 6h ngày 25-4, thế giới đã ghi nhận 2.825.946 ca mắc Covid-19, trong đó 196.931 người đã tử vong, 779.807 người được chữa khỏi.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra lời kêu gọi hành động với nỗ lực gây quỹ 7,5 tỷ euro. Chương trình mang tên gọi Tăng tốc độ tiếp cận các công cụ Covid (ACT) này dự kiến sẽ khởi động từ ngày 4-5 tới. Theo Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ACT hướng tới việc kêu gọi các chuyên gia quốc tế và chính phủ các nước trong việc đoàn kết và tăng tốc độ nghiên cứu vắc xin phòng ngừa Covid-19, cũng như đề ra các phác đồ điều trị an toàn, có giá cả phải chăng và có thể phổ biến.
Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã hối thúc các quốc gia không áp đặt các biện pháp hạn chế về xuất khẩu và các hoạt động thương mại khác trong bối cảnh thế giới đang đối phó với đại dịch Covid-19.
Trong tuyên bố chung, IMF và WTO nêu rõ quan ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung do việc tăng cường áp đặt những hạn chế về xuất khẩu cùng những hành động khác vốn đang làm hạn chế các nguồn cung y tế và lương thực then chốt. Tuyên bố khẳng định tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chệch hướng cung cấp các sản phẩm thiết yếu có nguy cơ "kéo dài và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế hiện nay". IMF và WTO đồng thời cảnh báo việc áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với vật tư y tế và lương thực có thể gây ra những "tác dụng ngược nguy hiểm".
Châu Âu
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết công tác hồi hương công dân châu Âu đã gần như hoàn tất. Hơn nửa triệu công dân của Lục địa già đã được đưa về nước, trong khi chỉ còn khoảng 90.000 người đang bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Tin vui nói trên đến trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại các nước châu Âu cũng đang giảm mạnh. Tây Ban Nha – tâm dịch của Lục địa già – mới chỉ ghi nhận thêm 6.740 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại đây lên 219.764 người. Trong đó, 22.534 người đã thiệt mạng.
Ở vị trí thứ nhì, Italia đã ghi nhận thêm 3.021 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 192.994 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 25.969 trường hợp (tăng 420 ca) và số ca hồi phục là 60.498 ca (tăng 2.922 ca).
Anh ghi nhận thêm 5.386 trường hợp nhiễm trong vòng một ngày, đồng nghĩa rằng nước này đã có tổng cộng 143.464 ca nhiễm.
Hải quân Pháp cùng ngày cho biết 120 thủy thủ của tàu sân bay Charles de Gaulle đã được điều trị khỏi bệnh và được phép ra viện hoặc rời khỏi nơi cách ly trong căn cứ. Bộ Quốc phòng Pháp cũng cho hay đã mua dự trữ thuốc chloroquine từ Trung Quốc, dù hiệu quả chống vi rút SARS-CoV-2 của loại thuốc này đang gây tranh cãi. Pháp hiện có 159.828 người nhiễm bệnh, tăng 1.645 ca so với ngày trước đó.
Châu Mỹ
Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới, với 922.293 người mắc Covid-19, tăng 35.852 trường hợp so với ngày trước đó. Trong đó, 52.061 người đã tử vong (tăng 1.827 trường hợp). Trong bối cảnh này, Tổng thống Donald Trump đã ký thông qua dự luật trị giá 484 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện đang phải chịu sức ép lớn của dịch cũng như tăng cường năng lực xét nghiệm.
Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ nước này nhằm giúp các doanh nghiệp giảm thiểu các tác động từ Covid-19, khiến nhiều đơn vị phải đóng cửa hoặc thay đổi hoạt động. Chỉ trong hơn 5 tuần qua, số người Mỹ mất việc làm đã lên tới 26 triệu người, tức cứ 6 người dân Mỹ thì 1 người không có việc làm.
Châu Á
Iran đã vượt Trung Quốc về số ca nhiễm Covid-19, với 88.194 trường hợp (tăng thêm 1.168 trường hợp so với ngày trước đó). Nước này cũng có số bệnh nhân nhiều nhất châu Á hiện nay.
Đông Nam Á, khu vực được giới chuyên môn quan ngại có nguy cơ trở thành điểm nóng mới của thế giới, đang chứng kiến số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng. Trong 24 giờ qua, vùng dịch lớn nhất là Singapore tiếp tục phát hiện thêm 897 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm của quốc đảo sư tử lên 12.075 người, trong đó 12 người đã tử vong.
Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison cảnh báo nước này sẽ phải chuẩn bị đối mặt với sự bùng phát của các ổ dịch Covid-19 mới sau khi các hạn chế về kinh tế và xã hội được dỡ bỏ. Trong vài tuần tới, xứ sở Chuột túi sẽ mở cửa trở lại một số hoạt động xã hội và kinh tế song song với việc mở rộng quy mô xét nghiệm và đưa vào sử dụng rộng rãi ứng dụng theo dõi người tiếp xúc bệnh nhân Covid-19. Tính đến nay, Australia đã ghi nhận 6.675 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 5.136 người hồi phục, 79 trường hợp đã tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.