(HNM) - "Đến hẹn lại lên" - mỗi khi năm học mới bắt đầu, nhiều sinh viên, gia đình có con đỗ đại học ở ngoại tỉnh lại chạy đôn đáo khắp Hà Nội tìm phòng trọ. Để tìm được chỗ ở phù hợp với khả năng là không dễ bởi giá thuê đã bị đội lên hơn so với trước. Chưa kể, thực tế còn có những pha lừa đảo “treo đầu dê, bán thịt chó” liên quan đến thuê phòng trọ, khiến nhiều sinh viên không khỏi lo lắng...
Khó tìm nhà trọ
Có 2 phân khúc thuê chỗ ở cho sinh viên, đó là nhà trọ giá rẻ, dao động 500.000-1.000.000đồng/ phòng từ 12 đến 18m2 và nhóm nhà ở cao cấp hơn (thường gọi là chung cư mini) có diện tích từ 25-50m2, giá 2,5-5 triệu đồng/tháng. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, phân khúc nhà trọ giá rẻ dễ cho thuê hơn do chi phí thấp, cộng cả tiền nhà, điện, nước, vệ sinh chỉ khoảng 700.000-1.000.000 đồng cho hai người ở. Theo anh Nguyễn Văn Trung, một chủ nhà trọ ở phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), trên địa bàn phường có khoảng 800-1.000 phòng trọ, nhưng thời điểm này đều đã kín phòng...
Nếu nhà trọ giá rẻ “cháy” phòng thì tìm nhà trọ phân khúc cao hơn với diện tích 25-50m2/phòng, đầy đủ giường, tủ, bếp, điều hòa, nóng lạnh…, cũng khó khăn không kém. Với số tiền 2,5-4 triệu đồng/tháng, nếu tìm kiếm 3-4 người ở ghép, thì số tiền không quá đắt. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thanh, chủ một khu nhà trọ ở đường Ngô Xuân Quảng, gần Học viện Nông nghiệp Việt Nam (huyện Gia Lâm), nhà trọ đầy đủ tiện nghi, an ninh tốt và đặc biệt là gần trường không quá nhiều, việc tìm bạn ở ghép không dễ nên nhiều sinh viên dù muốn nhưng cũng đành ngậm ngùi tìm chỗ khác.
Tương tự, tại khu vực Trường Đại học Ngoại thương (quận Đống Đa), nhiều sinh viên cũng "méo mặt" khi tìm thuê nhà trọ ở gần trường. Nguyễn Thanh Tùng, sinh viên Đại học Ngoại thương cho biết, đa số các nhà trọ gần trường đều kín chỗ do các anh chị khóa trước sau khi ra trường vẫn thuê trọ để đi làm. Số phòng trọ trống gần như không còn. Do vậy, Tùng đành rủ bạn đồng hương thuê căn phòng tại một chung cư mini ở phố Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) với giá 3,5 triệu đồng/phòng rộng 20m2.
Cẩn trọng với tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”
Lợi dụng nhu cầu tìm nhà trọ tăng cao, nhiều đối tượng đã dùng đủ các chiêu trò lừa đảo để "móc túi" của sinh viên. Là nạn nhân của tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, Nguyễn Khánh Hà, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm) đã lên các trang web, hội nhóm để tìm thông tin. Qua tìm hiểu, Hà đã gọi số điện thoại quảng cáo có nhà trọ mới xây, giá 600.000 đồng/phòng rộng 15m2, sẵn giường, tủ. Tuy nhiên, khi mục sở thị, căn phòng khác xa với quảng cáo. Đường đến phòng trọ là một ngõ nhỏ lắt léo trong làng Văn Trì (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm), dãy phòng trọ ẩm thấp, cũ kỹ; căn phòng chỉ có vài tấm gỗ cũ ghép vào thành chiếc giường ọp ẹp. Khi Hà tỏ vẻ không đồng ý thì người môi giới đã trừng mắt, nạt nộ bởi "đã bảo đảm đúng yêu cầu gần trường, giá rẻ, không thể đòi hỏi hơn"...
Kể lại hành trình tìm nhà trọ cho con học Trường Đại học Giao thông - Vận tải Hà Nội (quận Cầu Giấy), chị Nguyễn Thị Lê, quê ở tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước khi ra Hà Nội, chị gọi số điện thoại quảng cáo trên một trang web tìm nhà trọ: “Cho thuê nhà trọ giá rẻ, mới xây, khu vực Cầu Giấy, liên hệ theo số điện thoại 0983.952…”. Người nghe cho biết chỉ còn 2 phòng trống nhưng có nhiều người đặt phòng rồi, nên ai chuyển khoản đặt cọc trước 100.000 đồng thì sẽ được giữ chỗ. Chị Lê chuyển khoản và ngày 15-8, hai mẹ con khăn gói lên Hà Nội, nhưng gọi hàng chục cuộc điện thoại vào số của người cho thuê trọ, điện thoại đều tắt máy. Lúc này, chị Lê mới tá hỏa nhìn lại, trên tờ quảng cáo không có bất cứ địa chỉ nhà trọ, hay manh mối liên quan nào...
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Hoàng Thị Chiên, đã có một số sinh viên bị cò môi giới lừa đảo, yêu cầu nộp tiền nhà trước 1 tháng để làm tin, nhưng khi ở mới biết giá tiền thuê trọ thực tế rẻ hơn rất nhiều. Hoặc một số đối tượng lừa đảo bằng cách dẫn sinh viên đi xem phòng trọ nhưng lấy lý do phòng đó khách đang thuê, sắp trả nhà nên 3-5 ngày sau mới vào ở được, yêu cầu đặt cọc từ 100.000-500.000 đồng để giữ chỗ. Nhưng khi tiền đã trao, thì “chủ nhà hờ” cũng biến mất. Do đó, các sinh viên cần cẩn thận hơn để tránh tình trạng "tiền mất, tật mang".
Trên đây chỉ là một trong những tình huống "dở khóc, dở cười" của cảnh sinh viên đi thuê nhà trọ. Nhiều "danh sách đen" các khu vực, nhà trọ xuất hiện môi giới lừa đảo đã được cư dân mạng cảnh báo trên mạng xã hội. Cũng có nhiều thông tin lật tẩy chiêu trò kiếm tiền, trục lợi từ các hành vi lừa đảo này. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo vẫn hoạt động một cách tinh vi... Đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn những hành vi lừa đảo, đồng thời, các sinh viên thuê trọ cần tỉnh táo, cẩn trọng hơn để không trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.