Bạn đọc

Sinh viên thuê trọ đầu năm học mới: Áp lực thiếu phòng và tăng giá

Kim Vũ 31/08/2023 - 06:35

Ngày khai giảng sắp diễn ra nhưng nhiều sinh viên "đứng ngồi không yên" vì chưa tìm được nhà trọ. Gặp khu nhà trọ ưng ý, gần trường học thì giá cao, tiền điện, nước, dịch vụ tăng ngoài mong đợi. Còn khu phòng trọ giá rẻ thì ẩm thấp, chật chội, xa trường học. Áp lực thiếu phòng và tăng giá đang đè nặng lên nhiều sinh viên xa nhà.

nhatro.jpg
Dãy nhà trọ tại phố Phú Kiều (quận Bắc Từ Liêm).

Hành trình gian nan

Cả 3 ngày nay, em Nguyễn Thu Hà, sinh viên Trường Đại học Thương mại (quận Cầu Giấy) đã lang thang hầu hết các xóm trọ quanh trường nhưng cái kết vẫn là số không. Hà buồn bã kể: "Em tốn khá nhiều tiền xe ôm để đến khu vực phố Tân Mỹ, Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), rồi xuống phố Kiều Mai, Đình Quán, Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) nhưng phòng trọ giá 700.000-900.000 đồng/phòng thì diện tích 9m2, không điều hòa, không chỗ nấu ăn, không nhà vệ sinh khép kín, giá tiền điện thì cao từ 4.000 đến 4.500 đồng/số. Với nhà trọ có điều hòa, nóng lạnh thì giá lên đến 3,5 đến 4,5 triệu đồng/phòng 20-25m2".

Đối với một sinh viên ngoại tỉnh như Hà, được chu cấp hạn chế, việc tìm nơi ở vừa túi tiền rất gian nan.

Em Trần Huy Nam, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân (quận Hai Bà Trưng) lại khá vất vả khi tìm kiếm phòng trọ qua các hội nhóm trên mạng. Nhìn hình ảnh đăng tải, cùng lời chào mời của các môi giới, Nam đã hào hứng đi xem nhưng cuối cùng lại rất thất vọng vì không như quảng cáo. Sau khi đi tới 20 phòng trọ, từ 10m2 đến chung cư mini 25-30m2, Nam vẫn chưa tìm được phòng vừa ý và hợp túi tiền.

Nam cho biết, các phòng trọ gần trường ở khu vực phố Tạ Quang Bửu, Khương Mai, Minh Khai… với giá phù hợp cho sinh viên lại khan hiếm vô cùng.

Khảo sát thực tế về thị trường nhà trọ tại Hà Nội thời gian gần đây cho thấy, nguồn cung giảm mà cầu lại tăng đột biến. Nguyên nhân là do lượng sinh viên mới đến Hà Nội tìm nhà trọ tăng cao và một bộ phận không nhỏ cựu sinh viên đã tìm được việc làm ở Hà Nội không về quê, vẫn ở xóm trọ cũ nên các phòng trống không có nhiều. Trong khi đó, các khu chung cư mini xây mới lại hút lượng khách là gia đình, người đi làm có thu nhập, giá cao nên quá sức với nhiều tân sinh viên.

Một vấn đề khác là năm nay đa số các chủ nhà trọ đều tăng giá từ 10% đến 20% do chi phí điện, nước, xăng tăng giá kéo theo các dịch vụ đắt đỏ. Do đó, tình trạng khó tìm nhà trọ hợp lý đang trở nên nóng trong những ngày đầu năm học. Điều này kéo theo một số tiêu cực là "cò nhà trọ" tìm cách thu tiền môi giới rồi "cao chạy, xa bay", thậm chí nhiều người lừa là chủ nhà thu tiền đặt cọc của sinh viên rồi bỏ trốn...

Cần nhiều hỗ trợ

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Khánh Lan, chủ nhà trọ ở đường Tân Mỹ (quận Nam Từ Liêm) cho biết, mỗi năm lượng người thuê trọ lại gia tăng. Số người thuê cố định lâu dài ngày càng nhiều, trong khi đó, tại Hà Nội, số nhà trọ xây mới không đủ đáp ứng nhu cầu nên tình trạng “cháy” phòng, tăng giá là không tránh được.

Để hỗ trợ cho sinh viên, nhiều địa phương đã có một số biện pháp hiệu quả. Cụ thể, Bí thư Đoàn thanh niên phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thành Luân thông tin, Đoàn thanh niên phường liên hệ với các chủ nhà trọ đóng trên địa bàn, kiểm tra độ uy tín, giá cả, sau đó đăng thông tin lên nhóm Facebook “Tôi yêu phường Dịch Vọng Hậu” để sinh viên nắm thông tin. Trong quá trình cho thuê, chủ nhà trọ có biểu hiện không trung thực về giá cả, chất lượng phòng thì Đoàn thanh niên sẽ cảnh báo trên nhóm và xóa tài khoản chủ nhà trọ ra khỏi group, đề nghị UBND phường nhắc nhở chủ nhà trọ này tại tổ dân phố. Đoàn thanh niên phường cũng liên hệ với Đoàn thanh niên các trường đại học đóng trên địa bàn để có sự liên kết giữa hai đơn vị, cùng hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn khi tìm phòng trọ đầu năm học.

Cũng là một kênh hỗ trợ đắc lực cho sinh viên, nhóm “Hỗ trợ tìm nhà trọ sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội” đã tuyển thành viên mới, sau đó chia nhóm để thu thập, xác minh độ tin cậy của các phòng trọ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân. Nhóm hiện có danh sách trên 4.000 phòng trọ đã thẩm tra, xác minh hình ảnh, giá phòng. Các thành viên cũng tình nguyện dẫn tân sinh viên đến tận phòng trọ để tìm hiểu.

Em Nguyễn Khánh Thư, một quản trị viên của nhóm, chia sẻ quy tắc của nhóm là hoạt động miễn phí nhằm giúp đỡ các bạn sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội tìm nhà trọ. Mỗi năm có 2 đợt nhóm hỗ trợ sinh viên tìm nhà trọ, đó là đầu năm học mới và sau Tết. Tính đến đầu tháng 7-2023, có gần 7.000 sinh viên liên hệ tìm phòng và trên 2.300 bạn tìm được chỗ trọ ưng ý. Còn trong tháng 7 và 8-2023, mỗi ngày có khoảng 150-200 sinh viên được nhóm hỗ trợ, từ tư vấn qua điện thoại, gửi hình ảnh, rồi đưa đến tận nhà trọ...

Có thể thấy, các hình thức hỗ trợ nêu trên đã phần nào giúp ích cho sinh viên vượt qua khó khăn đầu năm học. Tuy nhiên, những hoạt động như vậy chưa đủ nên về lâu dài, các tân sinh viên cần nhận được sự trợ giúp từ nhiều phía. Trong đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm soát về chất lượng, điều kiện nhà ở, giá cả, tiền điện, nước... để giảm áp lực cho sinh viên khi nhập học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên thuê trọ đầu năm học mới: Áp lực thiếu phòng và tăng giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.