(HNM) - Sau khi Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu các trường giãn thời gian thu học phí và các khoản thu đối với học sinh, sinh viên (HS - SV) thuộc diện vay vốn tín dụng của Chính phủ để chờ thủ tục giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều SV rất mong ngóng quy định trên sớm thành hiện thực.
Quê huyện Bố Trạch (Quảng Bình), gia đình thuộc diện cận nghèo, bố mẹ là nông dân, em trai lại bị bệnh máu trắng, Trần Thị Thu Phương (SV năm thứ nhất Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh) phải tự bươn chải để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng số tiền kiếm được từ việc làm thêm tại quán cơm quá nhỏ nhoi. Để có 2 triệu đồng đóng học phí mỗi kỳ, Phương phải vay mượn bạn bè, người thân. Vậy nên, khi biết về chủ trương của Bộ GD - ĐT, Phương rất vui mừng: "Từ bây giờ em có thể yên tâm học tập thật tốt mà không phải lo lắng việc đóng học phí nữa. Mong chính sách này sớm được thực hiện và nhà trường kéo giãn thời gian càng dài càng tốt".
Cùng hoàn cảnh, Nguyễn Thanh Mỹ (quê huyện Quế Sơn, Quảng Nam, hiện là sinh viên năm thứ ba Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh) đã phải tự xoay xở lo cho cuộc sống của mình suốt từ ngày bước chân vào ĐH. Ngày đi học, tối làm thêm, chủ nhật đi phục vụ ở tiệc cưới nhưng Mỹ cũng chỉ kiếm được khoảng 1,3 triệu đồng/tháng, không thấm vào đâu với cuộc sống đắt đỏ ở TP. Điều Mỹ lo lắng nhất là mỗi khi trường có thông báo thu học phí lại phải tất tả đi vay mượn bạn bè, người thân. "Nếu giãn thời gian đóng học phí, không chỉ giúp cho em mà còn cho các bạn SV nghèo trên cả nước nuôi giấc mơ có tấm bằng ĐH" - Mỹ chia sẻ.
TS Đỗ Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP cho biết, hiện trường có khoảng 17 nghìn SV hệ chính quy, trong đó các SV vùng sâu, vùng xa và các tỉnh thành đã chiếm hơn một nửa. Hằng năm nhà trường vẫn tạo điều kiện cho các SV nghèo có thể vài tháng mới đóng học phí một lần thay vì đóng hằng tháng. Tuy nhiên, nếu quyết định của Bộ GD-ĐT đưa ra thì nhà trường cũng chỉ gia hạn dài nhất một học kỳ, bởi các hoạt động của trường như mua trang thiết bị, xây dựng, trả lương cho giáo viên… vẫn phải dựa vào tiền học phí.
Tương tự, TS Nguyễn Hữu Khương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP cho hay, hiện nhà trường có gần 10 nghìn SV chính quy, trong đó có khoảng 300 em thuộc diện khó khăn. Hằng năm trường cũng huy động được khoảng 1 tỷ đồng để hỗ trợ SV nghèo bằng việc cấp học bổng theo dạng chính sách. Ngoài ra, theo quy định, các SV hiện được vay 1 triệu đồng/tháng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội… Do đó việc giãn thời gian đóng học phí cần được cân nhắc kỹ, chỉ nên áp dụng cho những đối tượng cực kỳ khó khăn, hoàn toàn không có khả năng về tài chính.
Trong góc nhìn khác, Th.S Đặng Kiên Cường, Phó phòng Công tác SV (Trường ĐH Nông lâm TP) cho rằng, văn bản của Bộ GD-ĐT về giãn thời gian thu học phí đối với HS-SV còn chưa rõ ràng, cụ thể là không quy định rõ thời gian giãn là bao lâu, quy trình thực hiện như thế nào... Trong khi đó, việc giãn thời gian quá lâu sẽ gây khó khăn cho hoạt động đào tạo của nhà trường. Mặt khác, hình thức đào tạo hiện nay là tín chỉ, do vậy việc đăng ký học của mỗi em khác nhau, chính vì thế việc quản lý về mọi mặt, nhất là tài chính, rất phức tạp. Để thực hiện tốt, Bộ cần đưa ra thông tư hướng dẫn rõ ràng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.