Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sinh kế cho người từng lầm lỡ

Minh Ngọc| 28/02/2018 07:11

(HNM) - Tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV… vay vốn phát triển sinh kế là giải pháp hữu hiệu để họ tái hòa nhập cộng đồng...

Hiệu quả thấy rõ

Cả nước hiện có hàng vạn người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV mong muốn, khao khát tái hòa nhập cộng đồng bằng những công việc lương thiện, có thu nhập. Giúp những đối tượng này ổn định cuộc sống, tránh xa con đường từng lầm lỡ, các cấp, các ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể như cho vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh mang lại kết quả rất khả quan.

Tạo điều kiện dạy nghề, cho vay vốn sản xuất là giải pháp giúp người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.



Anh Lê Quang Dũng, trú tại số nhà 31, ngõ 3, đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy) cho hay, sau cai nghiện ma túy, anh cố gắng làm lại cuộc đời. Nhiều năm cùng vợ bán hàng nước, tích cóp mãi gia đình anh vẫn chưa đủ vốn để mở rộng kinh doanh. Biết đến nguồn vốn vay ưu đãi dành cho người sau cai nghiện, năm 2016, anh mạnh dạn làm đơn vay 20 triệu đồng với lãi suất 0,55%/tháng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở cửa hàng tạp hóa, mua máy ép nước mía… “Nhờ nguồn vốn vay, vợ chồng tôi có việc làm đều đặn, thu nhập ngày càng tăng, con được học hành đầy đủ. Bản thân tôi cảm thấy thoải mái, tự tin hòa nhập. Tôi thường xuyên động viên, giải thích, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh phấn đấu vươn lên”, anh Lê Quang Dũng chia sẻ.

Thoát khỏi “nàng tiên nâu” sau 13 năm lệ thuộc, anh Nguyễn Trung Tuyến, ở thôn Chu Quyến, xã Chu Minh (huyện Ba Vì) may mắn được các hội, đoàn thể hướng dẫn, tạo điều kiện tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi. Dùng 30 triệu đồng vay ngân hàng mua xe máy làm phương tiện vận chuyển thuê hàng hóa, anh Tuyến dần trở thành “tài xế” yêu nghề, yêu cuộc sống. Khi tích cóp được số vốn kha khá, anh chuyển sang buôn bò, chó giống... Nguồn vốn sinh sôi giúp anh xây được nhà, mua sắm nhiều vật dụng giá trị. Vui hơn, từ khi bỏ được ma túy, gia đình êm ấm, con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Từ trải nghiệm của bản thân, anh Nguyễn Trung Tuyến khẳng định, việc làm và thái độ cởi mở, thân tình của những người xung quanh chính là “liều thuốc” hữu ích giúp người sau cai nghiện đủ tự tin, quyết tâm hướng tới tương lai.

Nguồn vốn ưu đãi cũng góp phần làm thay đổi cuộc sống của chị Bùi Thị L., trú tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Chị L. cho biết: “Không may bị lây nhiễm HIV từ người chồng nghiện ma túy, tôi từng oán trách số phận, mất niềm tin vào tương lai. Cuộc sống của tôi dần hồi sinh kể từ khi được vay vốn phát triển kinh tế. Hiện nay, tôi vui với công việc trồng nấm, vá lưới, chăm sóc sức khỏe hai vợ chồng và giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ”.

Ngoài những dẫn chứng đã nêu, trên thực tế có không ít người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV vượt qua quãng đời đen tối, tìm lại giá trị của bản thân, của cuộc sống nhờ được vay vốn phát triển sinh kế.

Cần nới lỏng điều kiện cho vay

Hiệu quả của chính sách ưu đãi tín dụng đối với người sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV… đã được khẳng định. Tuy vậy, nguồn vốn này chưa nhiều, không dễ giải ngân, đối tượng được vay cũng không dễ tiếp cận.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đến ngày 31-12-2017, Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương mới được triển khai thí điểm ở 15 tỉnh, thành phố. Các chi nhánh thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội mới giải ngân cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay với tổng số vốn gần 13 tỷ đồng, đạt hơn 46% kế hoạch.

Lý giải về thực trạng trên, theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2016 và 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt hơn 54 tỷ đồng cho các đối tượng vay vốn ưu đãi. Tiếc rằng, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương tổ chức cho vay được rất ít. Điển hình là tỉnh Đắk Lắk chỉ đạt 6,38%, tỉnh Thanh Hóa đạt 37,38%, TP Hải Phòng đạt 32,22%,… so với chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân của tình trạng này là vì, muốn vay vốn, khách hàng phải chứng minh họ thuộc đối tượng được vay, trong khi người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương thường che giấu bản thân, còn người nhiễm HIV được quyền không công khai danh tính, tình trạng bệnh tật. Mức cho vay trung bình khoảng 20 triệu đồng/cá nhân hoặc gia đình chưa đủ để triển khai kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh, nên nhiều người không vay. Ngoài ra, một số cơ quan, đoàn thể và chính đối tượng được vay còn e ngại, thiếu tin tưởng vào khả năng sử dụng hiệu quả nguồn vốn…

Để khắc phục, nhiều ý kiến mong muốn các cơ quan chức năng nới lỏng điều kiện cho vay, đơn giản hóa thủ tục, nâng mức cho vay và kéo dài thời hạn trả nợ. Đại diện chính quyền, các hội, đoàn thể tại địa phương cần quan tâm nhiều hơn, cởi mở hơn với những người từng lầm lỡ. Với đối tượng thuộc diện được vay vốn theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg, bản thân mỗi người phải biết vượt lên chính mình.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn cho vay ứ đọng hàng chục tỷ đồng, trong khi những người có nhu cầu lại rất khó tiếp cận vốn vay. Hy vọng, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sớm quan tâm giải quyết để những người từng lầm lỡ có thêm cơ hội làm lại cuộc đời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sinh kế cho người từng lầm lỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.