Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sinh hoạt chi bộ: Thiết thực, gắn với đời sống

Võ Lâm| 25/02/2016 06:45

(HNM) - Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là vấn đề được các cấp ủy đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.

Chi bộ và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư B2, phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) sinh hoạt chuyên đề giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Ảnh: Kiều Oanh


Phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở

Chi bộ 8, Đảng bộ phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm thường xuyên có những buổi sinh hoạt hấp dẫn đảng viên. Bí thư Chi bộ Nguyễn Hữu Điển (nguyên là Trưởng phòng Hành chính - Quản trị, Văn phòng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ bí quyết: "Mỗi buổi sinh hoạt, chúng tôi thường mở đầu với những câu chuyện thời sự mới, "nóng"; tiếp đó bàn thảo các vấn đề liên quan trực tiếp đến tổ dân phố và kết thúc là ít phút phổ biến các bài thuốc Nam do chi ủy sưu tầm". Từ việc đổi mới sinh hoạt, Chi bộ 8 đã đưa ra nhiều giải pháp xây dựng Tổ dân phố Đình Thôn, thành tích mới nhất của chi bộ là vận động nhân dân đóng góp hơn 300 triệu đồng bê tông hóa 4 ngõ, lắp 270 bóng đèn chiếu sáng...

Cũng với tinh thần đổi mới, Đảng bộ phường Thạch Bàn, quận Long Biên đã phát sổ sinh hoạt chi bộ cho đảng viên. Cuốn sổ trở thành phương tiện hữu ích trong mỗi kỳ sinh hoạt, nhất là khi đánh giá phần việc phân công cho đảng viên. 17 chi bộ của phường Thạch Bàn đều phân công đảng viên phụ trách các hộ gia đình để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân cũng như tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định ở địa phương. Đảng viên thực sự trở thành cầu nối giữa người dân với cấp ủy, chính quyền. Tại mỗi buổi sinh hoạt chi bộ, các đảng viên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được phân công, chi bộ cùng nhận xét đánh giá. "Không khí các buổi sinh hoạt chi bộ sôi nổi, thiết thực hơn. Các chi bộ phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở. Những việc như giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị của phường thuận lợi có công lớn của các chi bộ" - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn Nguyễn Văn Cảnh cho biết.

Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ đã xây dựng đề án, chuyên đề riêng nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ địa bàn dân cư. Huyện đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như: 100% chi bộ thực hiện sinh hoạt chuyên đề ít nhất mỗi quý một lần; phấn đấu ít nhất 95% chi bộ có nội dung sinh hoạt trọng tâm, trọng điểm, thảo luận và ban hành nghị quyết khả thi, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị... Từ năm 2013, huyện phát hành "Bản tin Phúc Thọ" chuyên phục vụ sinh hoạt chi bộ. Tích cực đổi mới, Phúc Thọ đã phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đổi mới hơn nữa, Huyện ủy Phúc Thọ đã thí điểm tại xã Võng Xuyên, thị trấn Vân Phúc và Phòng Kinh tế UBND huyện việc mời quần chúng tham dự các buổi sinh hoạt chi bộ. Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyễn Đình Sơn cho biết, nếu mô hình này phát huy hiệu quả sẽ được nhân rộng.

Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy

Nâng cao chất lượng và đổi mới sinh hoạt chi bộ là một giải pháp thiết thực nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên. Đây là nội dung được Thành ủy Hà Nội và cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm, thể hiện cụ thể trong các chương trình công tác toàn khóa, tiêu biểu là Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy khóa XV. Ban Tổ chức Thành ủy đã xây dựng và triển khai một số chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tuy nhiên, trong số gần 3.000 tổ chức cơ sở Đảng vẫn còn nhiều chi bộ chưa làm tốt. Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Lê Thị Minh Nguyệt cho biết, vẫn còn một số chi bộ trong doanh nghiệp, cơ quan hành chính, sự nghiệp chưa quan tâm, chưa tìm ra phương pháp đổi mới sinh hoạt chi bộ. Vẫn còn những chi bộ mà năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, vai trò đảng viên không rõ, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, nặng về phản ánh tình hình. Có những chi bộ mới chú ý nêu những vấn đề của thành phố, của Trung ương, không đi sâu, bàn những vấn đề thiết thực của chi bộ, trong phạm vi lãnh đạo của chi bộ.

Để đổi mới sinh hoạt chi bộ, đồng chí Lê Thị Minh Nguyệt cho rằng, trước hết, các cấp ủy, nhất là chi ủy phải quán triệt và nhận thức sâu sắc về vị trí vai trò của chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của địa phương, đơn vị và của địa bàn chi bộ. Mỗi đảng viên phải thấy rằng việc sinh hoạt chi bộ là cần thiết, đồng thời nắm vững chức năng, nhiệm vụ, phạm vi lãnh đạo, tình hình đặc điểm thực tế của chi bộ, từ đó xác định trách nhiệm của chi bộ, của bản thân. Ví dụ chi bộ địa bàn dân cư, thì đảng viên phải nắm vững tình hình nhân dân trên địa bàn, đâu là những vấn đề bức xúc, nổi cộm cần phải giải quyết.

Đổi mới sinh hoạt Đảng là trách nhiệm của chi bộ, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy và các đảng viên, tiếp đó là trách nhiệm của cấp ủy cấp trên trực tiếp. Nếu chi bộ, cấp ủy cấp trên thiếu quan tâm và chưa quyết tâm thì sinh hoạt chi bộ không mang lại hiệu quả thực tiễn. Ngoài ra, theo Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Lê Thị Minh Nguyệt, một giải pháp gián tiếp nhưng vô cùng cần thiết là cấp ủy tăng cường đối thoại với dân, thực hiện tốt Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa XI), tạo ra cơ chế để nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ. Trên cơ sở trao đổi, chi bộ chắt lọc ra việc của dân để bàn và tìm cách giải quyết. Vòng tuần hoàn gắn bó máu thịt với dân như vậy sẽ giúp cho sinh hoạt chi bộ thiết thực, hiệu quả, bảo đảm cho mọi đường lối, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống.

Cấp ủy cấp trên phải có định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo về nội dung sinh hoạt cho các chi bộ. Từng tháng, đảng ủy phải định hướng, thông tin cho chi ủy biết là nhiệm vụ chính trị chủ yếu của đảng bộ mình trong tháng là gì. Trên cơ sở đó, chi ủy phải làm tốt công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt chi bộ cần phải được bàn bạc, thảo luận kỹ trong chi ủy trước khi tổ chức sinh hoạt. Quá trình điều hành, chi ủy phải khơi dậy được tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng, phát huy được dân chủ, phát huy trí tuệ của đảng viên. Chính trong môi trường dân chủ ấy, đảng viên sẽ tiếp tục bàn bạc và đóng góp giải pháp đổi mới sinh hoạt chi bộ. Ngoài ra, việc bố trí thời gian, địa điểm phù hợp để đảng viên tham gia sinh hoạt đầy đủ, thuận lợi cũng rất cần thiết.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh hoạt chi bộ: Thiết thực, gắn với đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.