(HNMO) - Đã có nhiều giải pháp được triển khai nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng, làm ảnh hưởng đến nhiều bên, trực tiếp là người lao động. Vậy, các cơ quan chức năng sẽ “siết” hành vi chậm đóng BHXH bằng cách nào?
Vẫn khó khắc phục
Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, những năm gần đây, các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp đôn đốc thu, khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH. Đáng chú ý, hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là điều nghiêm cấm, quy định rõ tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan. Việc tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động để cùng tìm hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm khắc phục số tiền chậm đóng BHXH cũng được các cơ quan chức năng chú trọng triển khai. Công tác thanh tra liên ngành và chuyên ngành về BHXH thường xuyên được thực hiện. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, tỷ lệ chậm đóng BHXH trên phạm vi cả nước giảm còn 2,91% so với tổng số tiền cần thu, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy vậy, tình trạng chậm đóng BHXH diễn ra khá phổ biến. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, cộng dồn đến hết năm 2022, cả nước còn hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới 3 tháng; 440.800 người bị chậm đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị “treo” sổ BHXH tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động. Càng ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông người lao động, thì số người lao động bị ảnh hưởng về quyền lợi do đơn vị chậm đóng BHXH càng nhiều.
Tại Hà Nội, đến hết tháng 2-2023, các cơ quan chức năng thành phố ghi nhận 87.000 đơn vị chậm đóng BHXH với tổng số tiền là 5.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.552 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2022. Trong đó, tỷ lệ chậm đóng BHXH phải tính lãi hiện là gần 1.875 tỷ đồng, bằng 2,92% so với tổng số tiền cần thu; chậm đóng kéo dài từ 12 tháng trở lên là hơn 1.716 tỷ đồng, bằng gần 31% tổng số nợ hiện hữu…
Cùng thời điểm đầu năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận hơn 50.000 doanh nghiệp chậm đóng BHXH với số tiền hơn 4.500 tỷ đồng. Theo Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, việc đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH khiến người lao động làm việc ở các đơn vị, doanh nghiệp này chịu "thiệt đơn, thiệt kép".
Gần đây nhất, vào đầu tháng 3-2022, bức xúc vì bị mất nhiều quyền lợi về BHXH, hàng chục người lao động tìm đến trụ sở Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex (115 Đội Cấn, quận Ba Đình) đề nghị giải quyết. Bà Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc phân xưởng may của Nhà máy Dệt kim Haprosimex, Khu công nghiệp Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex phản ánh, do đơn vị không đóng BHXH và các chế độ khác liên quan cho người lao động từ tháng 7-2011, đẩy hàng trăm lao động rơi vào cảnh khó khăn. Thậm chí có những trường hợp lao động nữ sinh con, hiện nay con của họ đã đi học vẫn chưa được nhận chế độ thai sản; người lao động qua đời, thân nhân chưa nhận được chế độ tử tuất…
Cần “mạnh tay” hơn
Phân tích nguyên nhân khó thu những khoản tiền chậm đóng, khó xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài lý do khách quan do một số đơn vị, doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn sau dịch Covid-19, vẫn có những trường hợp cố tình chây ỳ. Bởi vì, mức xử phạt đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH theo các quy định của pháp luật hiện hành còn nhẹ, nên chưa đủ sức răn đe.
Trong khi đó, giải pháp để tổ chức Công đoàn kiện đơn vị sử dụng lao động ra tòa án lại khó triển khai do những vướng mắc về thủ tục. Biện pháp cứng rắn nhất là xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn chưa được áp dụng, hiện chưa có người sử dụng lao động nào bị khởi tố, xử lý do quan điểm về hành vi “trốn đóng bảo hiểm xã hội”…
Để tăng tính nghiêm minh của pháp luật, ngoài các giải pháp đã, đang thực thi, các cơ quan chức năng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý, các cơ quan chức năng đề xuất một số giải pháp “mạnh tay” với với hành vi chậm đóng, trốn đóng. Đó là, người sử dụng lao động phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên tổng số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế hiện nay), cao hơn nhiều so với số tiền tính lãi từ khoản tiền chậm đóng, trốn đóng đang áp dụng.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên. Bên cạnh đó, Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra tòa án. Nếu có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH sẽ kiến nghị khởi tố theo quy định…
Dự thảo luật BHXH sửa đổi cũng bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây ra thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trước mắt, để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, dưới góc độ thực hiện chính sách, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngành đã có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất phương án giải quyết chế độ hưu trí, BHXH một lần, trợ cấp ốm đau, thai sản, tử tuất và nhiều chế độ khác đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ tiền BHXH.
Với chế độ hưu trí, BHXH Việt Nam đề xuất cho phép giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH).
Trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, có tổng thời gian đóng BHXH dưới 20 năm (trong đó, thời gian thực đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên), nếu người lao động có nguyện vọng thì được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng…
Thông qua những biện pháp đề xuất nhằm tăng tính răn đe, nhưng vẫn mềm dẻo, linh hoạt, bảo đảm quyền lợi tối đa cho người lao động, hy vọng, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH sẽ được khắc phục hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.