(HNM) - Bắt đầu từ tháng 8-2011 Nghị định 46 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP) về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được thi hành sẽ chấm dứt nỗi lo lao động phổ thông, lao động chất lượng thấp ồ ạt tràn vào Việt Nam làm việc.
"Nhập khẩu" lao động: tăng chóng mặt!
Thông tin từ ông Lê Quang Trung - Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang tăng nhanh theo từng năm. Cụ thể là năm 2008 có 52.633 lao động nước ngoài, năm 2009: 55.428 lao động; năm 2010: 56.929 lao động và đến năm 2011, con số tăng tới 74.000 người. Số lao động này đến từ 65 quốc gia, chủ yếu mang quốc tịch châu Á (chiếm khoảng 58%) như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Nguyên nhân của sự tăng nhanh một cách chóng mặt này là do việc đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam những năm qua tăng nhanh dẫn đến nhu cầu lao động người nước ngoài tăng. Mặt khác, Việt Nam có nhiều ngành, lĩnh vực mới đòi hỏi lao động nước ngoài có kinh nghiệm, chuyên môn đảm đương.
Lao động nước ngoài ở Lâm Đồng. Ảnh: Đức Tài |
Các chuyên gia việc làm cho rằng, xuất phát điểm của việc "nhập khẩu" ồ ạt lao động phổ thông vào Việt Nam là các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài ở Việt Nam rất khó khăn khi tìm nguồn trong nước. Lao động phổ thông ở Việt Nam không hề khan hiếm nhưng tình trạng tìm kiếm nhân lực của doanh nghiệp gần như là "mò kim đáy bể" do sự mất cân đối trong thị trường lao động và sự không quan tâm thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… của người lao động của các doanh nghiệp kéo dài khiến cuộc sống của họ không được bảo đảm và ngày càng khó khăn nên họ sẵn sàng bỏ việc, nhảy việc.
Siết chặt để chấm dứt lao động" chui"
Theo Bộ LĐ-TB&XH, có tình trạng lao động “chui” là bởi sự lỏng lẻo trong công tác quản lý. Trước đây có quy định LĐNN làm việc có thời hạn dưới 3 tháng không cần xin giấy phép lao động chính là "kẽ hở" cho các doanh nghiệp, nhà thầu tranh thủ "tuồn" lao động phổ thông vào Việt Nam. Gần đây nhất là tình trạng hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc "chui" tại tỉnh Cà Mau và một số tỉnh khác.
Về hướng xử lý các lao động nêu trên, theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), thì rất cần sự vào cuộc của rất nhiều ngành chứ không chỉ riêng ngành lao động. Các sở LĐ-TB&XH cấp giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc nhưng nhà thầu trúng thầu rồi tự ý đưa lao động nước ngoài sang làm việc "chui" không có hồ sơ theo quy định, sử dụng lao động không phép, không báo cáo đúng định kỳ theo quy định tại các sở LĐ-TB&XH. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành đang tìm hướng xử lý. Theo Nghị định 46, trách nhiệm quản lý còn thuộc các bộ, ngành như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Y tế. Bộ Công an hướng dẫn liên quan đến các nội dung thị thực cho người nước ngoài sau khi đã được cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động hoặc cấp lại giấy phép lao động, không cấp thị thực nếu chưa được cấp giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu…
Hy vọng rằng, Nghị định 46 sẽ được thực hiện một cách kiên quyết hơn để chúng ta có thể sàng lọc được lực lượng lao động nước ngoài có chất lượng làm việc tại Việt Nam và cũng là cơ hội việc làm cho lao động trong nước.
Nghị định 46 của Chính phủ nêu rõ phải ưu tiên sử dụng NLĐ Việt Nam thực hiện các công việc mà họ có khả năng thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan để giới thiệu, cung ứng NLĐ Việt Nam cho nhà thầu nước ngoài. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, đối với đề nghị tuyển từ 500 người lao động Việt Nam trở lên và 30 ngày, đối với đề nghị tuyển dưới 500 người lao động Việt Nam. Nếu không giới thiệu hoặc cung ứng được NLĐ Việt Nam cho nhà thầu nước ngoài theo đề nghị nêu trên thì chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định việc cho phép nhà thầu nước ngoài được tuyển người nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.