(HNM) - Trong khoảng 20 năm trở lại đây, việc sử dụng gas ngày càng gia tăng, nhất là đối với các hộ gia đình. Điều đó thể hiện sức hấp dẫn, dễ sử dụng của loại nhiên liệu này.
Trên thực tế, thị trường gas đạt mức tăng trưởng bình quân 12%/năm trong 5 năm gần đây, mang lại nguồn lợi rất lớn, đặc biệt là cho doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh gas.
Dù được sử dụng khá phổ biến, nhưng gas lại có đặc điểm dễ cháy, nổ. Vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu, có tính chất quyết định về sự an toàn trong sử dụng gas là triệt tiêu nguy cơ phát sinh cháy, nổ. Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện các biện pháp, quy định kỹ thuật, bảo đảm an toàn tuyệt đối với mặt hàng này.
Song, điều đáng lo ngại là tình trạng sang chiết gas trái phép; thu gom và cải biến, rồi chiếm dụng vỏ bình gas của các thương hiệu lớn, có uy tín để lừa khách hàng vẫn đang diễn ra. Các cơ sở làm ăn khuất tất vẫn tiến hành việc đó để thu về lợi nhuận bất chính, nhưng tai họa có thể xảy ra và hậu quả cuối cùng thuộc về người tiêu dùng. Qua thời gian, niềm tin đối với mặt hàng này cũng bị ảnh hưởng, giảm sút... Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, điều đó còn làm méo mó thị trường, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam với doanh nghiệp quốc tế.
Hiện nay, cả nước có khoảng 200 tổng đại lý và 13 nghìn cửa hàng bán gas. Rõ ràng, đây là thị trường hứa hẹn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp làm ăn chân chính. Song, đó cũng là “tài nguyên” để những kẻ gian lận lợi dụng bằng cách lừa đảo, ăn theo...
Như vậy nguy cơ về tai họa cháy nổ vẫn hiển hiện. Câu trả lời cho vấn đề này xin gửi đến các ngành chức năng và các cấp có thẩm quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.