Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý hoạt động đường thủy nội địa

Tuấn Lương| 07/06/2021 07:18

(HNM) - Trước thực trạng việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại một số bến bãi trên địa bàn Hà Nội chưa tốt; còn nhiều trạm trộn bê tông hoạt động không có giấy phép... các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đang khẩn trương rà soát, thống kê các khu vực còn tồn tại để kiểm tra, xử lý dứt điểm khi mùa mưa bão đã đến.

Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiểm tra điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tại xã Chu Minh, huyện Ba Vì. Ảnh: Tuấn Khải

Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trên mạng lưới đường thủy nội địa của thành phố Hà Nội. Mới nhất, ngày 26-5, Đội Thanh tra Giao thông - Vận tải đường thủy nội địa (thuộc Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) đã xử phạt 1 trường hợp tại xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ) với lỗi khai thác bến thủy nội địa quá thời hạn cho phép… Chỉ tính riêng trong tháng 5-2021, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 11 trường hợp, phạt tiền tổng cộng 155 triệu đồng, tăng 9 vụ bị lập biên bản xử phạt so với tháng 4 trước đó.

Cùng với Thanh tra Giao thông - Vận tải, các lực lượng chức năng khác cũng đã tích cực vào cuộc. Đầu tháng 5-2021, Đội Cảnh sát đường thủy số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) đã lập biên bản xử lý 7 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng tại xã Thống Nhất (huyện Thường Tín) hoạt động không phép ven sông Hồng.

Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Cao Văn Hiệp cho biết, qua rà soát sơ bộ, trên địa bàn thành phố hiện có 21 bến thủy nội địa hành khách; 55 bến thủy nội địa hàng hóa; 115 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng và 18 trạm trộn bê tông; 127 phương tiện thủy hoạt động trên các tuyến sông, hồ, các điểm vui chơi giải trí… Trong đó, 83 bến bãi, trạm trộn hoạt động không có giấy phép. Tại một số bến bãi, việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa chưa tốt.

Theo Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông - Vận tải đường thủy nội địa Bùi Ngọc Tân, khó nhất hiện nay là chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, bến thủy nội địa hết hạn giấy phép chỉ bị xử phạt ở mức 2,5 triệu đồng, dẫn tới không ít chủ bến chây ỳ, không làm thủ tục gia hạn giấy phép. Trong khi đó, biện pháp cưỡng chế vi phạm cũng là một khó khăn. Lực lượng chức năng khi phát hiện phương tiện thủy vi phạm lẽ ra phải lập tức yêu cầu dừng hoạt động và tạm giữ phương tiện nhưng lại không có bãi để tạm giữ… Ngoài ra, nhiều trường hợp vi phạm thường chọn các khu vực giáp ranh giữa Hà Nội với tỉnh Hưng Yên để hoạt động. Khi phát hiện lực lượng kiểm tra, đối tượng vi phạm di chuyển sang địa phận tỉnh lân cận.

“Việc xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, song không thể không quyết liệt xử lý vi phạm!” - ông Bùi Ngọc Tân khẳng định. Hiện, Đội Thanh tra Giao thông - Vận tải đường thủy nội địa đang phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát toàn tuyến đường thủy nội địa của thành phố, các khu vực bến bãi, trạm trung chuyển vật liệu xây dựng, các bến bãi ngang sông cũng như các cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy… Từ đó xác định các “điểm nóng” để lên kế hoạch kiểm tra, xử lý. Với những khó khăn, vướng mắc, đội sẽ báo cáo Thanh tra Sở để tham mưu cho thành phố tháo gỡ.

Cũng theo ông Bùi Ngọc Tân, trước mắt, từ ngày 15-6 đến 15-10, đội sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương và các lực lượng khác kiểm tra toàn bộ phương tiện thủy cũng như hệ thống phao tiêu, biển báo… trên các tuyến sông, hồ trên địa bàn.

“Hoạt động đường thủy nội địa liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên để thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, chúng tôi đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên ngành trong việc xử lý, giải tỏa vi phạm. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT phối hợp, rà soát quy hoạch các bến bãi khai thác, tập kết vật liệu ngoài đê để thống nhất biện pháp quản lý, cấp phép…”, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Cao Văn Hiệp thông tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý hoạt động đường thủy nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.