Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

Thanh Hiền| 14/12/2016 07:03

(HNM) - Là địa phương có trụ sở của nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan đã kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, kịp thời ngăn chặn đối với hoạt động bán hàng đa cấp.



Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhiều giải pháp đồng bộ sẽ được thực hiện để siết chặt quản lý hoạt động này trên địa bàn.

- Năm 2016, tại địa bàn Hà Nội, hoạt động BHĐC diễn biến khó lường, gây thiệt hại không nhỏ cho người tham gia và cả người tiêu dùng. Ông có thể chia sẻ về thực trạng này?

- Tính đến ngày 30-11, sau khi 21 doanh nghiệp có thông báo hoạt động BHĐC tại Hà Nội bị Cục Quản lý cạnh tranh rút giấy phép do vi phạm hoặc tự xin chấm dứt, tạm ngừng hoạt động BHĐC, Hà Nội còn 36 doanh nghiệp hoạt động BHĐC…

Hoạt động BHĐC là phương thức kinh doanh tuy không mới ở Việt Nam, song luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định môi trường kinh doanh, cũng như thiệt hại nặng về kinh tế cho người tham gia. Trong quá trình đăng ký hoạt động và tổ chức BHĐC, bên cạnh những DN chân chính vẫn còn không ít đơn vị lợi dụng kẽ hở, chưa đồng bộ của pháp luật trong quản lý để thực hiện các hoạt động kinh doanh trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia.


Thiên Ngọc Minh Uy là công ty bán hàng đa cấp đã nhiều lần bị xử lý vi phạm.


- Các sai phạm của doanh nghiệp thường tập trung vào những hình thức nào, thưa ông?

Hoạt động BHĐC có nhiều biến tướng, với các vi phạm phổ biến như các doanh nghiệp có bán hàng theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC; cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng của sản phẩm; lợi dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ, huy động tài chính, lừa đảo; Có sự biến tướng, dẫn đến lừa đảo trong hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động BHĐC như tham gia bán hàng nhưng không có hàng, thu tiền người tham gia vào mạng lưới BHĐC thông qua hình thức tuyển dụng.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã điều tra, xác minh và xử lý nhiều doanh nghiệp vi phạm, lừa đảo về kinh doanh theo phương thức đa cấp như Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam, Tâm Mặt Trời, Diamond Holiday, công ty MB24.

- Mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý, nhưng trước năm 2016 công tác quản lý hoạt động BHĐC chưa đạt hiệu quả cao, để xảy ra nhiều vụ vi phạm lớn... Ông có thể cho biết vì sao lại có lỗ hổng trong quản lý như vậy?

- Thời gian qua, nhiều DN, người tham gia BHĐC của DN tuyên truyền sai về sản phẩm, lợi ích khi tham gia BHĐC hoặc dùng hình thức BHĐC để huy động tài chính, gây thiệt hại lớn cho người dân. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương khá khó khăn trong kiểm tra, giám sát DN, người tham gia BHĐC trong việc tuyên truyền, tư vấn cho người tham gia BHĐC, người dân. Được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia BHĐC, hoạt động này diễn ra tại khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Hơn nữa, việc tư vấn được thực hiện bằng cách tuyên truyền trực tiếp từ người này đến người khác hoặc qua hội nghị, hội thảo thường tổ chức vào ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính… khiến cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động BHĐC mặc dù đã được sửa đổi theo hướng thắt chặt quản lý nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được các hình thức lách luật tinh vi của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi.

- Vậy, Sở Công Thương Hà Nội đã có những biện pháp gì để ngăn chặn hoạt động kinh doanh BHĐC trá hình nói riêng, cũng như các hành vi vi phạm BHĐC nói chung?

- Để giúp người dân hiểu rõ về mô hình kinh doanh đa cấp, thời gian qua Sở Công Thương liên tục đăng tải nội dung tuyên truyền về hoạt động BHĐC lên website của Sở, cũng như thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động BHĐC; danh sách các DN đã thông báo hoạt động BHĐC trên địa bàn Hà Nội; danh sách các DN bị thu hồi giấy phép BHĐC hay thông báo chấm dứt hoạt động. Sở cũng phối hợp cùng các sở, ngành chức năng, UBND các cấp tuyên truyền đến các tổ dân phố qua phương tiện đài truyền thanh để nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các DN BHĐC vi phạm, nên số DN còn hoạt động BHĐC tại địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể.

Để siết chặt quản lý hoạt động BHĐC, cần rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật để đưa ra các quy định chặt chẽ, hoàn thiện hơn trong lĩnh vực này, cũng như tăng nặng các chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với hành vi BHĐC bất chính. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật kinh doanh đa cấp cho các DN, gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát hoạt động BHĐC, đặc biệt cần phải có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức tập huấn, đào tạo…

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.