(HNM) - Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nhân dân sẽ tăng cao. Để nguồn cung bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm... ngoài thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, các sở, ngành liên quan của Hà Nội đang tăng cường quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều bất cập khiến việc kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả như mong muốn…
Theo ông Phạm Văn Son ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai), gia đình ông nuôi lợn và thường bán cho thương lái. Sau đó, thương lái mang đến các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ để pha chế, bán tại các chợ dân sinh. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến bởi chi phí tại lò mổ nhỏ lẻ không cao và một phần do thói quen trong hoạt động mua - bán, chế biến thực phẩm của nhiều người còn theo nếp cũ. Bởi vậy, dù được trang bị dây chuyền hiện đại, các cơ sở giết mổ công nghiệp hoặc bán công nghiệp vẫn khó cạnh tranh với lò mổ nhỏ lẻ…
Ông Nguyễn Hữu Tùy - chủ một cơ sở giết mổ ở huyện Ứng Hòa cho hay, hiện cơ sở của ông đang giết mổ 700 con lợn/ngày; vào các tháng cận Tết có thể đạt 1.000 con lợn/ngày. Tuy nhiên, do trong khu dân cư tồn tại nhiều lò mổ nhỏ lẻ nên cơ sở của ông chưa thu hút tối đa số lợn thương phẩm trên địa bàn...
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn thành phố khoảng 900-1.000 tấn/ngày; dịp Tết có thể 1.200 tấn/ngày. Hiện, toàn thành phố có 749 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó, 220 cơ sở giết mổ lợn; 61 cơ sở giết mổ trâu, bò; 456 cơ sở giết mổ gia cầm; lượng thịt giết mổ có kiểm soát chiếm khoảng 60%, còn lại chưa được kiểm soát; 47/220 cơ sở giết mổ lợn (chiếm 22%) được kiểm soát, số còn lại (nhỏ lẻ) rất khó kiểm soát…
“Luật Thú y bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh đang gây khó khăn trong kiểm soát khoảng 800 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư. Hơn nữa, việc giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở đó thường vào ban đêm, lực lượng cán bộ thú y xã lại “mỏng” nên rất khó kiểm tra” - ông Nguyễn Đình Đảng cho biết thêm.
Để khắc phục, theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh, trước mắt, Trạm phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra cơ sở giết mổ trên địa bàn; yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết không giết mổ động vật chưa rõ nguồn gốc, nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ cơ sở giết mổ bán công nghiệp ở xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) đề nghị các ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có hoạt động giết mổ công nghiệp về vốn, đất đai để xây dựng nhà xưởng, khu xử lý nước thải.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở chủ trương siết chặt quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm; tiếp tục chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã cử cán bộ trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, qua đó, ngăn chặn động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vận chuyển vào thành phố Hà Nội.
Sở cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trang trại, gia trại... xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Mặt khác, Sở tiếp tục tham mưu thành phố có chính sách khuyến khích hỗ trợ các chủ hộ, trang trại... đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ và chuỗi liên kết chăn nuôi; phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
"Đặc biệt, cơ sở giết mổ lợn phải bảo đảm lợn khỏe mạnh, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y, nguồn gốc rõ ràng, âm tính với mầm bệnh Dịch tả lợn châu Phi” - ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.