Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý cơ sở giết mổ lợn

Ngọc Quỳnh| 17/03/2021 06:36

(HNM) - Thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến một số hộ dân ở huyện Chương Mỹ giết mổ lợn chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đưa ra thị trường tiêu thụ. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhấn mạnh: Các địa phương cần tiếp tục siết chặt công tác quản lý cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn...

Giết mổ lợn theo dây chuyền công nghiệp tại Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) bảo đảm an toàn thực phẩm.  Ảnh: Quỳnh Ngọc

- Vừa qua, thông tin về một số hộ dân ở huyện Chương Mỹ đã giết mổ lợn chết, đưa ra thị trường tiêu thụ gây lo lắng cho người tiêu dùng. Việc này cụ thể như thế nào thưa ông?

- Trên địa bàn huyện Chương Mỹ hiện có 76 cơ sở giết mổ động vật, trong đó có 50 cơ sở giết mổ lợn. Tuy nhiên, hiện mới có một cơ sở giết mổ lợn theo dây chuyền công nghiệp, 7 cơ sở giết mổ bán công nghiệp. Còn lại là các cơ sở giết mổ thủ công nằm trong khu dân cư, hoạt động theo thời vụ. Những cơ sở này trung bình mỗi ngày giết mổ khoảng 1.500 con lợn, trong đó số lượng được kiểm soát là 1.000 con.

Khi có thông tin về một số hộ dân ở huyện Chương Mỹ giết mổ lợn chết, đưa ra thị trường tiêu thụ, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xác minh. Kết quả cho thấy, trên địa bàn xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ) có 5 hộ giết mổ nhỏ lẻ và đã phát hiện một hộ giết mổ lợn ốm, lợn chết, lợn không rõ nguồn gốc tại thôn Thanh Trì. Cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ đã lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cơ sở này với số tiền 17,5 triệu đồng.

- Thực tế, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ ở xã Đông Sơn chỉ giải quyết phần “ngọn”; còn về lâu dài, để ngăn chặn kịp thời tình trạng thu gom, giết mổ lợn bệnh, lợn chết, lợn không rõ nguồn gốc, huyện Chương Mỹ phải làm gì?

- Theo tôi, huyện Chương Mỹ cần giải quyết nhanh chóng vấn đề giết mổ nhỏ lẻ. Trước mắt, huyện cần đình chỉ các cơ sở giết mổ lợn nằm trong khu dân cư, hoạt động theo thời vụ, không bảo đảm điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại xã Đông Sơn. Đồng thời, huyện Chương Mỹ cần xây dựng phương án và lập kế hoạch di dời các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư theo đúng quy hoạch của thành phố, đưa vào giết mổ tập trung tại các xã Hồng Phong, Tốt Động, Đại Yên và thị trấn Chúc Sơn... Đối với những cơ sở giết mổ lợn không nằm trong quy hoạch, huyện phải thường xuyên kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Như vậy, việc giết mổ động vật nói chung, giết mổ lợn nói riêng trong khu dân cư vẫn là vấn đề “nóng” trong thời gian tới. Qua kiểm tra thực tế, ông có thể cho biết những vướng mắc, khó khăn trong việc kiểm soát các cơ sở này?

- Hiện nay, toàn thành phố có 232 cơ sở giết mổ lợn nhưng phần lớn là nhỏ lẻ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong vấn đề kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm cũng như kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong khi đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật chưa đồng bộ, hiệu quả... Việc triển khai các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng giết mổ lợn nhỏ lẻ trong khu dân cư còn tràn lan, khó kiểm soát. Một số nơi, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý dứt điểm các hộ giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép...

- Thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu của người dân. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ có những giải pháp gì để bảo đảm chất lượng nguồn cung thịt lợn ra thị trường?

- Để từng bước dẹp bỏ những cơ sở giết mổ lợn ốm, lợn chết, lợn không rõ nguồn gốc bán ra thị trường, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử phạt theo Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3-1-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 6-5-2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Cùng với việc siết chặt quản lý cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn, các địa phương phải đưa việc giết mổ vào những cơ sở có kiểm soát.

Ngành Nông nghiệp Thủ đô hiện đã tham mưu, trình UBND thành phố ban hành văn bản cho phép kéo dài thời gian hoạt động đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì và Thanh Oai (đang hoạt động hiệu quả); đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các điểm giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến đồng bộ. Mặt khác, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang thúc đẩy quy hoạch các điểm giết mổ tập trung gắn với chợ bán sản phẩm gia súc, gia cầm hiện có tại địa phương; tiến hành đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm... vào các cơ sở giết mổ tập trung, có kiểm soát theo quy hoạch.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý cơ sở giết mổ lợn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.