(HNM) - Để giảm hạn chế tình trạng
Ảnh minh họa từ internet |
Mấy năm gần đây, các chương trình cho vay tiêu dùng nở rộ, từ công ty tài chính đến ngân hàng đều phát triển dịch vụ này. Mức tăng bình quân 13,2%/năm từ năm 2009 đến nay cho thấy, nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân ngày càng lớn. Chỉ với bảng kê lương 3 tháng gần nhất và một số giấy tờ chứng nhận nơi làm việc, nhiều người đã có cơ hội vay từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Với ngân hàng, thủ tục cho vay tiêu dùng có vẻ khắt khe hơn, còn công ty tài chính lại khá dễ dãi. Để có thể "câu" khách hàng, không ít công ty tài chính đã rầm rộ quảng cáo cho vay tiêu dùng với lãi suất 0%/năm. Tuy nhiên, đa số những khoản vay với mức lãi suất 0% chỉ được áp dụng trong 6 hoặc 12 tháng đầu, còn sau đó lãi suất sẽ rất cao. Với các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay thường là 13-15%/năm, có thể lên tới 18-20%/năm, nhưng tại công ty tài chính, lãi suất thậm chí "leo" lên hơn 20%/năm.
Giải thích lý do việc đẩy lãi suất cho vay tiêu dùng quá cao so với cho vay thông thường, các công ty tài chính cho rằng, vì nhiều khoản vay không cần tài sản thế chấp, tiềm ẩn rủi ro. Thực tế do không cần tài sản thế chấp cho khoản vay, không ít khách hàng đã "chây ỳ" không chịu trả lãi suất, trả nợ gốc, khiến nhiều khoản vay trở thành nợ xấu.
Tuy nhiên, đây vẫn là loại hình cho vay mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho ngân hàng và công ty tài chính, hơn nữa lại là sản phẩm thu hút một lượng lớn khách hàng, nên nhiều công ty tài chính sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tiếp tục mở rộng loại hình cho vay này.
Dù mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ, nhưng sự "bùng nổ" của loại hình cho vay tiêu dùng cũng mang đến không ít rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng, cũng như nền kinh tế. Việc "thắt" hay "mở" với cho vay tiêu dùng đã từng là vấn đề "nóng", được nhắc đến tại nhiều diễn đàn. Mới đây, sau một thời gian lấy ý kiến, NHNN đã ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng, áp dụng từ ngày 15-3. Tại thông tư mới này, hoạt động cho vay tiêu dùng được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn. Theo đó, công ty tài chính cho vay VND, đối với khách hàng là cá nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng cá nhân, gia đình, thì tổng dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng (không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm).
Riêng lãi suất cho vay tiêu dùng, quy định nêu rõ, công ty tài chính thực hiện theo quy định của NHNN, đồng thời ban hành quy định về khung lãi suất áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống, bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng. Nếu muốn thay đổi, bổ sung, công ty tài chính phải gửi báo cáo cho NHNN.
Mặc dù không đưa ra mức lãi suất cụ thể, song thông tư cũng quy định khá chặt chẽ lãi suất cho vay tiêu dùng theo thỏa thuận và mức lãi suất cho vay tiêu dùng quy đổi theo tỷ lệ %/năm, tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó; nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; phương pháp tính lãi tiền vay, loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay...
Với những điều khoản chặt chẽ, cụ thể hơn đối với cho vay tiêu dùng, NHNN vẫn tạo cơ chế "mở" để các công ty tài chính triển khai dịch vụ này, nhưng "thắt" trong các quy định về lãi suất, điều kiện cho vay... nhằm hạn chế tình trạng "loạn" lãi suất, loại bỏ tình trạng áp dụng lãi suất cao ngất ngưởng trong dịch vụ cho vay tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.