(HNM) - Theo quy định, thời hạn nộp báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 là ngày 28-2-2021, nhưng đến ngày 14-5-2021, khi Chính phủ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vẫn còn đơn vị chưa hoàn thành. Bên cạnh đó là tình trạng báo cáo chưa đầy đủ, thiếu thông tin cần thiết...
Trước đó, thời hạn để các bộ, ngành, địa phương ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 là ngày 23-2-2020 nhưng đến tận khoảng tháng 4, tháng 5-2020 nhiều nơi mới thực hiện. Một số đơn vị, địa phương bị nhắc nhở do chậm ban hành chương trình này là Đồng Nai, Vĩnh Long, Hậu Giang, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam...
Như vậy, quy định các mốc thời gian ban hành chương trình và báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được xác định cụ thể, song rất tiếc việc chậm trễ, không thực hiện đúng vẫn diễn ra. Hơn thế, vấn đề này đã được đề cập, yêu cầu khắc phục nhiều lần từ các năm 2018, 2019, 2020.
Một lần nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi họp (ngày 27-5-2021), cho ý kiến về báo cáo chung kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ, đã phê bình sự thiếu tinh thần tự giác của không ít đơn vị, gây ảnh hưởng đến kết quả chung về đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả nước; đồng thời yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ lớn của mỗi bộ, ngành, địa phương, đơn vị và cả quốc gia. Việc chậm ban hành chương trình thực hiện, một mặt ảnh hưởng lớn tới kết quả thực hiện, mặt khác cho thấy kỷ luật, kỷ cương chưa được tuân thủ nghiêm. Vì vậy, không chỉ là nhắc nhở, phê bình, các địa phương, đơn vị cần xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân để chấn chỉnh tình trạng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.