Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt hệ thống giám sát

Hương Ly| 27/01/2010 07:10

Đề xuất 3 ưu tiên về chính sách tài chính của Việt Nam trong năm 2010 (HNM) - Với những giải pháp điều hành linh hoạt của Chính phủ, năm 2009 Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng kinh tế 5,32% và là một trong số ít quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng dương.


Song theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam năm 2010 sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Xây dựng chính sách tài chính linh hoạt, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững theo mục tiêu của Chính phủ là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đây là nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo "Hoạch định chính sách tài chính thời kỳ hậu khủng hoảng" do Bộ Tài chính tổ chức ngày 26-1 tại Hà Nội.

Nhiều thách thức với kinh tế vĩ mô

Một trong những giải pháp ngăn ngừa lạm phát là xây dựng chính sách tài chính linh hoạt, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Linh Tâm


Năm 2009, nhờ các giải pháp tổng thể, linh hoạt của Chính phủ, Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng hợp lý. GDP cả năm tăng 5,32% đã giúp Việt Nam lọt vào danh sách các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao của thế giới. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 704.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2008 là rất có ý nghĩa…

Tuy nhiên, theo nhận định của Nhóm Tư vấn chính sách (Bộ Tài chính), nền kinh tế còn tồn tại nhiều thách thức. Ngay trong tháng 1-2010, lãi suất ngân hàng đã "nóng" dần. Mặc dù theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay bằng VND đối với sản xuất, kinh doanh không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản (hiện áp dụng ở mức 8%/năm), theo đó mức cho vay tối đa là 12%/năm. Song thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hơn so với quy định. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy lạm phát có nguy cơ trở lại. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế Chương trình giảng dạy Fulbright, lãi suất trong các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ tại các kỳ hạn thời gian qua đều ở mức rất cao do nhà đầu tư đã đòi hỏi mức lãi suất phù hợp với tốc độ tăng lạm phát. Bên cạnh đó, phương án điều chỉnh tăng lương, trợ cấp thêm 10-15% (dự kiến sẽ áp dụng trong năm 2010); những tín hiệu hồi phục của nền kinh tế thế giới đẩy giá nhiều loại hàng hóa tăng trở lại, kèm theo giá xăng liên tục tăng thời gian qua… sẽ tạo sức ép không nhỏ lên tốc độ tăng CPI. Tốc độ nhập siêu tăng nhanh cùng với việc đồng Việt Nam đang bị định giá cao hơn USD đã khiến cán cân tài khoản vãng lai bị thâm hụt; mức độ thâm hụt ngân sách hiện vẫn ở mức cao… Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Siết chặt hệ thống giám sát tài chính

Theo dự báo "Triển vọng kinh tế thế giới" do Ngân hàng Thế giới công bố, năm 2010, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5%. Tuy nhiên, với những bất cập đang tồn tại, nền kinh tế sẽ phải đối phó với những biến động phức tạp. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2010 sẽ nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại… Để thực hiện, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về những giải pháp chủ yếu để chỉ đạo, điều hành kinh tế năm 2010 với 6 nhiệm vụ và 8 giải pháp cụ thể. Trong đó, giải pháp thứ 2 là điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, thận trọng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nhập siêu và ngăn chặn lạm phát cao trở lại. Những mục tiêu và giải pháp nêu trên có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Theo ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mặc dù chính sách tài chính là công cụ hiệu quả nhất, có ảnh hưởng rõ nét tới hoạt động kinh tế, song sự "bành trướng" của chính sách tiền tệ sẽ dễ dẫn đến những thiếu sót. Chính phủ Việt Nam nên dành 3 sự ưu tiên về chính sách tài chính trong năm nay. Thứ nhất là giảm thiểu sự biến động có nguồn gốc từ cán cân thanh toán thông qua việc đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và thị trường để tránh bị quá phụ thuộc vào một sản phẩm hay thị trường cụ thể. Cần sử dụng các công cụ thân thiện với thị trường để làm giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của giá thế giới tới thị trường nội địa. Việc điều hành tỷ giá nên theo hướng linh hoạt và sát với thực tế thị trường. Thứ hai là, đẩy mạnh phát triển thị trường vốn giúp ổn định giá cổ phiếu, tạo thuận lợi tối đa cho các giao dịch liên quan đến bất động sản… nhằm giúp ổn định giá tài sản. Ba là, kịp thời trao đổi thông tin chính sách thông qua việc cập nhật số liệu kinh tế, tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm xây dựng một chính sách tài chính phù hợp trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới.

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh cho rằng, để chủ động ngăn ngừa lạm phát, cần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế tốc độ tăng tín dụng và cung tiền. Nên chấm dứt hỗ trợ lãi suất cho DN nhằm thắt chặt tín dụng và khuyến khích DN đang nắm giữ USD chuyển một phần ngoại tệ sang đồng Việt Nam để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động, từ đó sẽ giảm áp lực cho thị trường ngoại hối.

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, việc nâng cao hiệu lực của hệ thống giám sát tài chính, tiền tệ nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Theo PGS-TS Đặng Văn Thanh, chuyên gia kinh tế cao cấp của Quốc hội, những hoạt động kiểm soát chặt chẽ các luồng vốn, dòng vốn, khoản vay, trả nợ… sẽ giúp Chính phủ kiểm soát hiệu quả tình hình tài chính quốc gia. Cần thực hiện thanh tra, kiểm toán có trọng điểm và xử lý dứt điểm những sai phạm về tài chính…

Những chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt bám sát thực tế của Chính phủ sẽ là nền tảng quan trọng nhằm ngăn chặn lạm phát; đồng thời đưa kinh tế Việt Nam sớm phục hồi đà tăng trưởng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt hệ thống giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.