(HNM) - Sáng 10-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Qua thảo luận, các đại biểu (ĐB) khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán là rất cần thiết, dù luật mới ra đời và thực thi từ năm 2006. Bởi, thị trường chứng khoán tại nước ta tuy non trẻ (hình thành từ năm 2000) nhưng có tốc độ phát triển nhanh, có lúc "nóng", lúc "lạnh". Luật Chứng khoán ra đời trong bối cảnh tạo điều kiện kích thích thị trường chứng khoán, đến nay đã bộc lộ những hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng thắt chặt quy định, nhằm làm cho môi trường hoạt động ngày càng minh bạch, phát huy hiệu quả huy động vốn.
Điều kiện để thành lập công ty chứng khoán sẽ được siết chặt nhằm bảo đảm tính minh bạch, hướng tới phát triển thuận lợi thị trường chứng khoán. Ảnh: Trung Kiên
ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề nghị luật càng cụ thể càng tốt, bớt những điều khoản phải giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn. Như vậy, luật sẽ sớm đi vào cuộc sống, điều chỉnh kịp thời những bất cập đã phát sinh, bộc lộ trên thị trường chứng khoán. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh thêm, nhu cầu tăng cường tính minh bạch đối với thị trường chứng khoán đã rất bức thiết, bởi đây là thị trường vốn lớn, nếu để xảy ra sự cố, gây mất niềm tin nhà đầu tư thì có thể dẫn đến sụp đổ thị trường.
Và để tăng cường tính minh bạch, bảo đảm an toàn cho thị trường chứng khoán, các ĐB yêu cầu cần siết chặt quy định về điều kiện thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng hiện nay điều kiện thành lập công ty chứng khoán, quản lý quỹ còn quá dễ dãi. Điều này dẫn đến nguy cơ các công ty cạnh tranh thiếu lành mạnh, đưa thông tin sai lệch, gây nhiễu loạn đầu tư. Hệ quả có thể là nhà đầu tư gặp thiệt thòi hoặc nghiêm trọng hơn, nhà đầu tư bị cuốn theo trào lưu đầu tư mạo hiểm, nếu xảy ra rủi ro sẽ nguy hiểm cho cả nền kinh tế. Vì vậy, các ĐB nhấn mạnh, luật sửa đổi cần quy định chặt chẽ về những điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán, bao gồm số vốn pháp định, nhân lực, trụ sở,...
Bên cạnh yêu cầu siết chặt các điều khoản liên quan đến việc hình thành và phát triển các công ty chứng khoán, các ĐB đặt vấn đề, trong quá trình vận hành thị trường chứng khoán cần phải minh bạch thông tin. Nội dung này được khẳng định là yếu tố quyết định để thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) yêu cầu, các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán phải bình đẳng, phải công bố thông tin một cách công khai, minh bạch. ĐB Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) nêu thực trạng là yêu cầu công khai thông tin về kết quả kinh doanh theo quy định luật hiện hành còn quá lỏng lẻo. Bên cạnh đó, việc đánh giá mức độ chính xác của thông tin đó còn là khoảng mở. Vì vậy, luật sửa đổi cần phải đề cập rõ, bổ sung những quy định điều chỉnh việc bắt buộc công khai thông tin cũng như giám sát, thẩm tra chất lượng của thông tin đó. Cũng cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, để tránh việc thông tin lũng đoạn thị trường chứng khoán, cần bổ sung cụ thể vào luật những điều khoản về chế tài xử lý đối với những hành vi cố tình vi phạm, thông đồng hoặc tiết lộ thông tin.
* Ngày 10-11, với hơn 80% số ĐB đồng tình, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2011. Trong đó, một số chỉ tiêu chủ yếu là năm 2011, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 595 nghìn tỷ đồng, tương đương 26,2% tổng sản phẩm trong nước. Tính cả 10 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 sang năm 2011 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 605 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, mức bội chi ngân sách nhà nước được QH thông qua là 120,6 nghìn tỷ đồng.
QH yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước. Trong quá trình điều hành, Chính phủ cần có giải pháp để giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 120,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước và giảm dần trong những năm tiếp theo. Chính phủ cũng cần xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu về kinh tế - xã hội năm 2011. Nghị quyết của QH yêu cầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, tăng cường quản lý công tác thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ theo luật định, giảm hẳn tình trạng nợ đọng thuế, gian lận thuế.
QH cũng quyết định, từ ngày 1-5-2011, điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 730 nghìn đồng/tháng lên 830 nghìn đồng/tháng; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công bằng tốc độ tăng lương tối thiểu; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10%, phụ cấp thâm niên trong ngành giáo dục. QH cũng đồng tình việc năm 2011 phát hành 45 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình trong danh mục do UB TVQH quyết định; thực hiện 15 chương trình mục tiêu quốc gia theo đề nghị của Chính phủ. ..
* Cũng trong ngày hôm qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Tố cáo; Ủy viên UB TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Kiểm toán độc lập; Ủy viên UB TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kiểm toán độc lập. QH cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Lưu trữ; Ủy viên UB TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lưu trữ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Bảo đảm tính minh bạch của thị trường Qua thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, đa số ý kiến các vị ĐB đã đồng tình. Chúng tôi xin ghi nhận những ý kiến, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Thực tế, luật hiện hành về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu. Song, bối cảnh lúc chúng ta ra luật là thị trường chứng khoán chưa phát triển, có lĩnh vực chúng ta khuyến khích, kể cả việc hình thành công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. ĐB nói là điều kiện thành lập các tổ chức trên có vẻ dễ dàng là đúng (hiện nay có 105 công ty chứng khoán). Chính vì thế có những điểm phát sinh mà chúng ta quản lý chưa thật sự chặt chẽ, cần phải quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời bảo đảm minh bạch hơn, công khai hơn. Bên cạnh đó, thông qua sửa luật, chúng tôi mong muốn tăng cường thêm vai trò quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Chính phủ cũng đã ra văn bản sửa nghị định và nâng tiêu chí để thành lập công ty chứng khoán và các công ty quản lý quỹ bằng cách: tăng vốn pháp định lên tới gần 4 lần; ra hàng loạt các chỉ tiêu về biện pháp kỹ thuật mà đòi hỏi các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ này phải nâng cao chất lượng, nên đã hạn chế được việc thành lập công ty chứng khoán và hiện nay chất lượng của công ty chứng khoán từng bước được nâng cao. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện và tiếp tục trình Chính phủ để nâng thêm tiêu chí thành lập công ty chứng khoán. Ví dụ như, vốn pháp định phải là 500 tỷ...Tư Đô ghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.