(HNM) - Thời gian qua, số vụ việc gây mất ANTT liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, súng tự chế xảy ra nhiều. Điều đó cho thấy tình hình tội phạm ngày càng manh động, liều lĩnh và nguy hiểm. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK-VLN-CCHT) không được quản lý chặt chẽ, còn nhiều trong tay tội phạm đang là mối lo ngại sâu sắc của người dân...
Theo thống kê của Bộ CA, năm 2011, trên địa bàn toàn quốc, số vụ tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng tăng 68,6% so với năm trước đó. Đầu năm 2012, số vụ gây nổ, sử dụng vũ khí nóng, vũ khí quân dụng tiếp tục có dấu hiệu phức tạp. Bộ CA cho biết, 6 tháng đầu năm 2012, cả nước xảy ra 391 vụ sử dụng vũ khí gây án (tăng 43 vụ so với cùng kỳ năm 2011). Trên địa bàn Hà Nội, tội phạm loại này cũng tăng, xảy ra 37 vụ (tăng 55%).
Không kém phần phức tạp là hiện tượng sử dụng mìn, thuốc nổ nhằm mục đích đe dọa, khủng bố cá nhân. Trong số đó phải kể đến vụ nổ xảy ra vào rạng sáng 7-1, tại khu vực đường Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên, nhằm vào nhà riêng Giám đốc CA tỉnh Thái Nguyên. Vụ nổ này chưa tìm ra thủ phạm thì sáng 30-7, tại trước cửa nhà Đại tá Trần Ngọc Khánh, Giám đốc CA tỉnh Khánh Hòa (đường Phan Chu Trinh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cũng xảy ra vụ nổ mìn. Nghi phạm sau đó 1 ngày đã bị bắt và qua khám xét CA thu thêm 475 kíp nổ, 30,4kg thuốc nổ và nhiều tang vật liên quan. Tội phạm còn dùng thuốc nổ để cướp như vụ Tạ Văn Thanh (SN 1987) và em cùng cha khác mẹ là Tạ Hải Hà (SN 1992, cùng trú tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) dùng thuốc nổ cướp cửa hàng vàng Hoàng Tín (đường Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) ngày 21-6…
Trong giai đoạn các vụ việc mâu thuẫn nợ nần trong làm ăn gia tăng như hiện nay, các băng nhóm tội phạm côn đồ tổ chức đòi nợ cũng sẵn sàng sử dụng vũ khí "nóng" như một phương tiện để khủng bố, đe dọa, áp chế con nợ. Một trong những vụ gây hoang mang dư luận là vụ truy sát, dằn mặt con nợ đêm 6-4 xảy ra tại TP Bắc Ninh. Một nhóm côn đồ đã sử dụng súng tiểu liên quân dụng, súng tự chế và cả thuốc nổ để khủng bố nạn nhân.
Trước tình hình phức tạp trên, Pháp lệnh về Quản lý, sử dụng VK-VLN-CCHT có hiệu lực từ năm 2012, được xem như một công cụ pháp lý để siết chặt quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTATXH - Bộ CA khẳng định, năm 2012 sẽ là năm lực lượng này triển khai thi hành pháp lệnh, thực hiện mạnh các biện pháp kiểm soát VK-VLN. Từ tháng 9-2012, Bộ CA cũng đã chỉ đạo CA các địa phương phát động đợt vận động thu hồi VK-VLN-CCHT. Song thực tế, nếu chỉ trông chờ vào sự vận động, thuyết phục của lực lượng CA thì khó thu hồi hết VK-VLN-CCHT. Chính vì vậy, CA các đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác quản lý và đặc biệt là vận động quần chúng nhân dân tự giác giao nộp VK-VLN-CCHC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.