
Vào những ngày hè nóng nực này, các sĩ tử đang "nung mình" trong những lò luyện thi rực lửa để chuẩn bị cho kỳ thi Đại học, Cao đẳng cận kề. Thế nhưng, không chỉ có các sĩ tử lớn mà cả những sĩ tử tí hon - những em bé vừa rời lớp mẫu giáo lớn tại các trường mầm non - cũng phải lao tới các lò "ôn thi" để chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa trường "Đại học... chữ to" - lớp 1.
Những sĩ tử tí hon
So với các dịp hè trước, năm nay bé Sang bận rộn hơn với công việc học hành bởi cậu chuẩn bị vào lớp 1. Ngay từ những ngày đầu tháng 5, mẹ đã tìm cho cậu một lớp học chữ tại nhà của cô giáo trong làng mới nghỉ hưu. Ngoài 5 buổi học trong tuần tại lớp mẫu giáo lớn ở Trường mầm non Hoa Hồng, vào những ngày nghỉ cuối tuần, cậu còn được đưa đến lớp của cô Thành để học chữ. Mặc cho nắng nóng hay mưa, việc học của cậu vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn nặng nề hơn bởi ngoài những bài tập ở trường với hàng trang chữ viết, cậu còn phải chúi đầu vào những bài mới cô Thành giao. Cũng như Sang, bé Mai bận bịu không kém. Bé "mặc cả", nài nỉ xin mẹ cho ngủ thêm chút nữa vào những ngày cuối tuần. Sáng nay thứ 7, bé vẫn phải dậy sớm như những ngày thường để chuẩn bị bài vở đến nhà cô giáo. Mắt nhắm mắt mở, mặc dù đồ ăn sáng đã được sắp sẵn nhưng bé vẫn phụng phịu vì "ngày nghỉ mà vẫn phải đi học". Toàn những chữ cái mà bé đã được học ở trường, nay chỉ là viết lại cho đẹp, cho nhớ; nhưng lịch đã lên rồi, bỏ sao được. Cái lịch dày kín cả tuần giống như của các anh các chị ôn thi đại học.
Dù chủ trương dạy học cho các em chuẩn bị vào lớp 1 đã được ngành GDMN Hà Nội áp dụng từ nhiều năm trước đây là làm quen với chữ cái, những số đếm để có thể vào lớp 1 mà không bỡ ngỡ. Thế nhưng hiện nay, hầu hết các bậc phụ huynh đều có tâm lý lo ngại con em mình thua bạn kém bè, áy náy khi thấy con người đi "ôn" hoặc thuê gia sư về dạy nên cũng cố tìm cho con mình một lớp "bình dân" để... học. Tại một số điểm dạy chữ mà chúng tôi tìm đến, chủ yếu là các lớp học mở tại nhà, thường là do các cô giáo đã nghỉ hưu rảnh rỗi nhận một vài em về kèm, dạy. Vì các em chưa được nghỉ hè, các lớp học sẽ được học vào ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật) như tại lớp học của cô Thành ở ngõ 389 cũ Cầu Giấy. Mỗi buổi học như thế là 10.000đ. Còn lớp học của cô giáo C. (GV tiểu học đã nghỉ hưu 14 năm nay) trên đường Giáp Bát lại khác. Đây là lớp học bán trú, có khoảng hơn chục em, đều là chỗ quen biết gửi, nên mức học phí có cao hơn (350.000đ bao gồm cả tiền học, tiền đồ dùng học tập và tiền ăn). Như một lớp học mầm non tư thục, nhưng lớp học này chỉ mở vào dịp gần nghỉ hè, khi các em chuẩn bị bước vào cổng trường, nghĩa là mang tính chất như "ôn thi vào lớp 1" với các bài học chủ yếu là rèn chữ, làm quen với môn toán lớp 1. Để hiệu quả, cô C. còn mời thêm các cô giáo ở trường tiểu học về trực tiếp giảng dạy cho các em theo đúng chương trình cải cách.
Gánh nặng của bé
Không ai xác định được rõ những cái lợi của việc học thêm, nhưng có một điều chắc chắn là điều này đang gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sự phát triển về thể chất và tinh thần của các bé. Vùi đầu vào những con chữ, con số, các em đang dần bị mất đi thời gian vui chơi giải trí, các môn học ngoại khoá phát triển năng khiếu và trí tuệ như: nhạc, hoạ, múa, hát,... trong dịp hè. Mấy tháng trước, bé Sang còn mong đến ngày cuối tuần để được chơi, được bố cho về quê ngoại nhưng đã mấy tuần nay bố không đưa cậu đi nữa vì cậu còn phải học. Trò chuyện với chúng tôi, chị Minh Sỹ (số 36 Phan Kế Bính) bày tỏ: "Các cháu đang ở tuổi ăn, tuổi chơi, ép các cháu ngồi học cả ngày, trời thì nóng bức thế này, chắc gì đã hiệu quả. Hơn nữa, việc dạy thêm như thế này rất dễ tạo nên tính chủ quan cho các em khi đã biết chút ít kiến thức. Tôi nghĩ việc bố mẹ đưa con đi học hè đã tạo nên sức ép cho các em".
Thế nhưng, khoác gánh nặng lên vai các em lại chính là bố mẹ các em. Các bậc phụ huynh vì lo con em mình nhút nhát, bỡ ngỡ khi vào lớp 1 nên cứ thế mà dồn sức ép lên đầu các bé khiến nhiều bé có cảm giác chán học, sợ học. Chị Hiền (ngõ 389 Cầu Giấy) cho biết: "Tôi chỉ có một cháu, năm nay bắt đầu vào lớp 1, sợ cháu không được cứng cáp như bạn bè cùng trang lứa nên tôi tìm lớp cho cháu học. Thực ra cũng chỉ muốn cháu học cách viết chữ và một vài con tính đơn giản. Có các thầy cô kèm cặp dù sao vẫn chất lượng hơn". Có cung ắt sẽ có cầu. Bà Bùi Thị Vân Anh - Trưởng phòng GD-ĐT Quận Cầu Giấy - tâm sự: "Không phải chúng tôi không biết chuyện này. Nhưng vì đây là các lớp tư nhân nên rất khó kiểm soát. Mà cũng không thể cấm được vì đôi khi do chính các vị phụ huynh yêu cầu. Nhưng theo tôi, quan trọng là chúng ta tuyên truyền để các bậc phụ huynh hiểu rằng, điều này sẽ dẫn tới nhiều cái hại. Thứ nhất, nó khiến các em chán nản khi phải học đi học lại một chương trình hay chủ quan khi đã biết chút ít kiến thức. Ngoài ra, việc dạy ồ ạt này còn gây khó khăn cho các giáo viên vào năm học vì phải uốn nắn lại những thói quen mà các em đã học ở các lớp ôn trước đó. Hơn nữa, với chương trình học cải cách hiện nay, không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận được phương pháp dạy mới". Nhằm giải toả những khúc mắc cho các bậc phụ huynh, bà Vân Anh khẳng định: Các bậc phụ huynh nên hết sức bình tĩnh, không nên lo lắng thái quá. Khi các em vào học trong trường, nhiệm vụ của giáo viên là giúp các em có đầy đủ kiến thức với phương pháp học tập đúng đắn và hiệu quả để các em có thể phát triển hoàn thiện".
Lao Động