(HNMO) - Cùng với lần đầu tiên thâu tóm trọn bộ HCV bóng đá nữ - nam, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã có một kỳ SEA Games đại thắng khi các môn Olympic đều đạt kết quả ấn tượng, xứng đáng với sự dịch chuyển tư duy, đầu tư có điểm nhấn và mạnh mẽ trong xã hội hoá thể thao.
Với 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ, đoàn TTVN xếp hạng Nhì chung cuộc, tất nhiên đứng sau nước chủ nhà Philippines nhưng vượt qua các đối thủ truyền thống khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Đây chưa phải là bộ sưu tập huy chương lớn nhất trong lịch sử tham dự SEA Games của đoàn TTVN, nhưng thành công nhất xét về chất và tỉ lệ các môn trọng tâm Olympic.
Thời kỳ trước, trong nội bộ ngành Thể thao Việt Nam đã nảy sinh tranh luận quyết liệt giữa hai trường phái.
Trường phái đầu tạm gọi là “đi tắt đón đầu” với đại diện là ông Hoàng Vĩnh Giang - Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, chủ trương đưa vận động viên (VĐV) nước ta đi sâu vào các “ngách” dễ kiếm huy chương, thành tích trong khu vực. Câu "thần chú" của ông Giang thời Việt Nam tổ chức SEA Games 2003 là “linh, tiểu, đoản, thuỷ”, nghĩa là nhắm vào các môn nhanh, nhỏ, ngắn và chơi dưới nước. Nhưng thời ấy, nhanh không hẳn là chú trọng điền kinh và nước thì cũng chưa dám nghĩ đến bơi lội, mà lách sang bơi nghệ thuật hay lặn…
Trường phái thứ hai tạm gọi là “tấn công vào Olympic”, mà người chủ trương là ông Nguyễn Hồng Minh - vị Trưởng đoàn có tầm và có duyên với vô số kỳ SEA Games, ASIAD… Ông Minh nhanh chóng nhận ra vị thế của nền thể thao nước nhà sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu chỉ quanh quẩn “ao làng”. Thay vì chia vụn miếng bánh vốn đã rất nhỏ hẹp dành cho toàn ngành, ông kiến nghị dành trọng điểm cho các môn mũi nhọn mang tầm Olympic, nghĩa là “cả thế giới cùng chơi”, nếu Việt Nam may mắn sở hữu VĐV có tiềm năng.
Sự va chạm nảy lửa ấy có thời điểm đã làm VĐV dao động, thậm chí lãnh đạo các bộ môn cũng hoang mang. Nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực thì nó chính là thứ tạo ra cuộc cách mạng nâng cấp chất lượng thể thao Việt Nam diễn ra liên tục, bền bỉ trong thời gian gần đây và SEA Games 30 là vụ mùa bội thu đầu tiên.
Bóng đá nữ giành HCV không còn là điều mới lạ. Họ đã làm được điều đó 6 lần. Với bóng đá nam, lần đầu tiên chinh phục SEA Games sau 60 năm, lại với tư cách đương kim vô địch AFF Cup, là một hành trình tuy dài và khó nhưng đầy thuyết phục.
Nhờ HLV Park Hang-seo và dàn cầu thủ tài năng, U22 Việt Nam có thể gặp đôi chút trắc trở ở vòng ngoài, nhưng vào bán kết và chung kết thì tỏ ra vượt trội so với các đối thủ. Danh hiệu sau 60 năm khắc khoải thực ra không có nhiều kịch tính, hồi hộp, lo âu khiến cả dân tộc vỡ oà, mà nó đến một cách lạnh lùng, chậm rãi như một điều tất yếu.
Chúng ta đã là một nền bóng đá hàng đầu Đông Nam Á từ 2 năm trước và chiến tích SEA Games là sự bổ sung một đỉnh cao còn thiếu. Từ nay, tham vọng của bóng đá nam, nữ Việt Nam sẽ hướng ra tầm châu Á và World Cup.
Bóng đá thì tạo ra sức hấp dẫn khác thường, nhưng nếu nhìn nhận một cách công bằng, điền kinh cũng có những thắng lợi đáng tự hào không kém. Trần Nhật Hoàng sẽ là cái tên mà chúng ta phải nhắc tới trong nhiều năm nữa, vì anh là một viên ngọc thực sự ở cự ly 400m.
400m là cự ly cá biệt, nó đòi hỏi VĐV phải hội tụ nhiều tố chất: Nhanh như chạy ngắn, bền như chạy dài và đặc biệt linh hoạt, nhạy bén trong chiến thuật. Nhật Hoàng có Vàng ở tất cả các nội dung mà anh tham dự: 400m cá nhân, 4x400m nam nữ, 4x400m nam. Thi cá nhân, anh không núp gió mà liều lĩnh duy trì tốc độ cao suốt đường chạy. Thi tiếp sức, các đoạn bứt tốc của anh là mấu chốt mang lại lợi thế cho toàn đội. Điền kinh Việt Nam xưa nay chưa bao giờ thành công ở cự ly 400m, nhưng tất cả đã thay đổi với chân chạy Khánh Hòa.
Cùng với sự xuất sắc của Lê Tú Chinh (thắng cặp VĐV nhập tịch chủ nhà) ở đường chạy 100m nữ, Nguyễn Thị Huyền - gương mặt quen thuộc 400m và 400m rào nữ, Dương Văn Thái - 800m, 1.500m nam, Đinh Thị Bích - 800m nữ, Nguyễn Thị Oanh - 1.500m và 5.000m nữ…, điền kinh Việt Nam gần như thống trị các cự ly trung bình và dài, duy trì vị trí số 1 toàn đoàn với 16 HCV.
Bơi lội cũng là một điểm sáng, dẫu điểm sáng nhất là Ánh Viên đang có dấu hiệu chững lại. 6 HCV, 2 HCB, giành danh hiệu VĐV xuất sắc nhất đại hội, nhưng Ánh Viên rõ ràng không hài lòng với chính mình.
Giờ thì Ánh Viên không còn nhiều cơ hội tranh đua Olympic, cỡ châu lục cũng còn vất vả. Nhưng các thế hệ măng non thì vẫn vẹn nguyên tiềm năng, với các gương mặt nổi trội là Huy Hoàng, Hưng Nguyên và Tấn Triệu ở các cự ly dài. Hy vọng bài học với Ánh Viên, Kim Sơn sẽ giúp sự nghiệp của lớp kế cận rẽ được sang trang mới.
Vật cũng là một môn thể thao Olympic, nhưng nó không được các nước chủ nhà SEA Games quá quan tâm. Năm nay, Philippines đưa vào chương trình thi đấu 14 bộ huy chương vật, đoàn Việt Nam giành được 12 HCV.
Bên cạnh đó còn là thành công của đấu kiếm, thể dục dụng cụ, boxing, đua thuyền… Những tấm HCV ở các môn truyền thống này tiếp tục hứa hẹn thể thao Việt Nam có khả năng tranh tài ở đấu trường châu lục.
Tennis thì là một câu chuyện khác. Nhìn ra châu Á, Lý Hoàng Nam, tân vô địch đơn nam SEA Games hầu như không có cơ hội nào, nhưng thành công hôm nay của anh thể hiện kết quả của một quá trình xã hội hóa thể thao mạnh mẽ. Hoàng Nam được nuôi dưỡng từ nguồn lực gia đình và CLB chủ quản là chính, giống như Golf hay Billiards, các môn thể thao với đặc thù khác biệt.
Một nền thể thao đang được xây dựng kế hoạch phát triển bài bản, có định hướng, có trọng tâm, có sự chung tay giúp sức từ nhiều nguồn lực, kể cả nguồn lực kiều bào, đấy mới là tương lai bền chắc của đoàn Việt Nam ở các kỳ SEA Games cũng như các kỳ cuộc khác ở tầm châu Á và thế giới.
ASIAD bắt đầu xích lại gần hơn với chúng ta. Sân chơi Olympic dĩ nhiên vẫn còn xa, nhưng nếu cứ kiên trì mục tiêu đến được nơi đó bằng càng nhiều suất chính thức càng tốt, thì cũng đã là bước tiến đáng kể của thể thao Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.