(HNM) - Khi chỉ còn một năm nữa là tới ASIAD 2018 và Olympic 2020 cũng không còn xa, các nhà quản lý thể thao Việt Nam đã coi SEA Games 29 là cơ hội tốt để rà soát lực lượng cho hai kỳ đại hội trên.
Lê Tú Chinh (giữa) - niềm hy vọng của điền kinh Việt Nam. |
Trong những năm gần đây, SEA Games đã không còn là đấu trường cao nhất với thể thao Việt Nam. Thay vào đó, các nhà quản lý đã hướng tới đấu trường ASIAD và Olympic với mục đích nâng tầm thể thao Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa sân chơi SEA Games bị coi nhẹ. Đấu trường này cũng có độ khắc nghiệt riêng trong đó nhiều nội dung có sự tham gia tranh tài của những vận động viên (VĐV) đã vươn tới tầm thế giới như cầu lông, taekwondo, bơi, cử tạ, bóng bàn, bóng chuyền… Không dễ để VĐV Việt Nam giành huy chương vàng (HCV) ở những môn thể thao trên nên SEA Games cũng là thử thách thực sự.
Cũng vì vậy, mục tiêu vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu vẫn được đặt ra. Từ SEA Games năm 2003 đến nay, thể thao Việt Nam đã luôn đứng trong nhóm ba đoàn dẫn đầu SEA Games. Nhưng thay vì chỉ chăm lo cho mục tiêu vào nhóm ba đoàn dẫn đầu, các nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng định hướng kiểm tra lực lượng và giành huy chương tại SEA Games 29 ở những môn thể thao trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD. Trong hội nghị triển khai công tác Ngành Thể thao Việt Nam năm 2017, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết: “Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu đứng đầu tại SEA Games 29 đối với những môn có trong chương trình thi đấu của Olympic. Ngoài ra, còn nhắm đến những tấm HCV của các môn trong chương trình thi đấu tại ASIAD”.
Các VĐV Việt Nam sẽ dự tranh ở 26/38 môn thể thao tại SEA Games 29. Theo tính toán của những nhà quản lý, Việt Nam có thể giành HCV ở 15 môn thi đấu. Trong số này, những môn như điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, karatedo, pencak silat… được kỳ vọng hơn cả. Những môn khó giành HCV không thuộc nhóm được đầu tư trọng điểm để phục vụ mục tiêu ASIAD cũng như Olympic. Thực tế, số môn được dự báo giành HCV tại SEA Games 29 của thể thao Việt Nam sẽ tăng lên nếu môn vật, rowing, canoeing được đưa vào chương trình thi đấu. Ngoài ra, mục tiêu giành vị trí trong nhóm ba đoàn dẫn đầu SEA Games 29 cũng không dễ dàng khi các nội dung của nữ ở nhiều môn không được góp mặt hay một số môn thế mạnh của Việt Nam bị cắt giảm số bộ huy chương. Rõ nhất là ở môn kiếm quốc tế, khi chỉ các nội dung cá nhân có trong chương trình thi đấu còn các nội dung đồng đội lại ngoài cuộc. Tất nhiên, cũng không ít quốc gia gặp khó như thể thao Việt Nam tại SEA Games tới nên có thể coi đó là việc “khó người, khó ta”.
Với tính toán số HCV có thể đạt được ở 15 môn trong nhóm môn Olympic hay ASIAD, các nhà quản lý có thể tin vào mục tiêu giành ít nhất vị trí thứ ba toàn đoàn dù sẽ phải so kè với Indonesia cũng như rà soát lực lượng cho các sân chơi lớn hơn. Chỉ khi thực hiện trọn vẹn mục tiêu ấy, thể thao Việt Nam mới có một kỳ SEA Games thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.