Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ yêu cầu xử lý việc "cấm cửa ghi hình" sai thẩm quyền

Hà Phong| 22/08/2013 13:05

(HNMO) - Nhiều điểm trong văn bản 1042/C67-P3 của Cục CSGT đường bộ, đường sắt chưa hợp lý cả về nội dung và thẩm quyền ban hành đã được điểm rõ và yêu cầu xử lý.

-Thưa ông, những điểm nào được Cục cho là bất hợp lý nhất trong công văn 1042?

- Công văn số 1042 do Đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt ký ban hành gửi trưởng phòng CSGT Công an các tỉnh, TP trực thuộc TƯ có đoạn “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ, hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật” có những điểm chưa hợp lý. Nội dung trên đã thể hiện sự thiếu thận trọng khi kết nối các nhóm hành vi có bản chất, mức độ khác nhau, khiến người dân có thể hiểu, khi bất kỳ người nào quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm buộc phải “được phép đồng ý” của CSGT đang làm nhiệm vụ. Và CSGT có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác định là “được phép” hay chưa, và xác định “đúng là nhà báo hay giả danh nhà báo”. Việc làm này không phù hợp các quy định hiện hành về quyền của nhà báo (hoặc người dân) khi quay phim, chụp ảnh.


- Dư luận cho rằng, vì không muốn ngành mình bị giám sát nên Cục CSGT mới ký ban hành công văn này. Ông có đồng tình với nhận định này?

- Hôm nay Cục Kiểm tra văn bản đã chính thức đề nghị Lãnh đạo Bộ cho tổ chức họp với đại diện Cục CSGT đường bộ, đường sắt và một số cơ quan, đơn vị liên quan để trao đổi thêm về nội dung có dấu hiệu sai trái của Công văn số 1042/C67-P3. Trên cơ sở nắm ngọn nguồn vấn đề, kết quả trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, sẽ vừa làm rõ bản chất vụ việc và đề xuất tiếp hướng xử lý.

- Ông có cho rằng việc giám sát hoạt động lực lượng thực thi công vụ hết sức bình thường của mỗi công dân. Nhờ những hoạt động này mà những hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT được tôn vinh, những sai phạm được kịp thời phát hiện, xử lý?

- Đúng vậy, pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp vì bí mật nhà nước, một số khu vực an ninh, quốc phòng phải cấm hoặc hạn chế người dân hoặc phóng viên quay phim, chụp ảnh. Không có quy định nào cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành công vụ (nếu không thuộc các trường hợp cấm, hạn chế). Việc ghi hình ảnh thi hành công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng (công khai) là bình thường không cần phải được CSGT (hay bất cứ cá nhân nào) có mặt ở nơi công cộng này “cho phép”. Đó là việc giám sát hoạt động lực lượng thực thi công vụ hết sức bình thường của mỗi công dân. Nhờ những hoạt động này mà những hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT được tôn vinh, những sai phạm được kịp thời phát hiện, xử lý. Có thể chốt lại là, việc công dân thực hiện quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ không phải là hành vi bị pháp luật cấm.

-Công văn 1042 còn trao quyền cho CSGT truy hỏi, truy xét về giấy tờ, danh tính của người quay phim, chụp ảnh để xác định “đúng là nhà báo” hay “giả danh nhà báo". Việc này có đúng thẩm quyền của CSGT không, thưa ông?


-Việc trao quyền cho CSGT truy hỏi, truy xét về giấy tờ, danh tính của người quay phim, chụp ảnh để xác định “đúng là nhà báo” hay “giả danh nhà báo” và cả việc giao CSGT tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản khi đúng là nhà báo càng bất hợp lý. Theo pháp luật hiện hành, cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân CSGT không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh, cũng không được quyền truy xét về giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo. Đặc biệt, theo Luật Báo chí thì một trong những nhiệm vụ của báo chí là: “Phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác” (khoản 4 Điều 6); nhà báo có quyền: “Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật” (điểm b khoản 1 Điều 15) và nhà báo có nghĩa vụ: “Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm” (điểm b khoản 2 Điều 15). Khi nhà báo tác nghiệp đúng Luật Báo chí thì không ai có quyền ngăn cản, truy xét. Mặt khác, nội dung công văn số 1042 không thuộc thẩm quyền quy định của một lãnh đạo Cục CSGT đường bộ-đường sắt như đã thể hiện.

- Nghĩa là người ban hành công văn trên chưa làm đúng thẩm quyền?

- Đúng. Những nội dung liên quan đến việc xác định người “quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ” cũng như việc xác định người quay phim, chụp ảnh là “nhà báo” hay “giả danh nhà báo” tại Công văn số 1042 không thuộc thẩm quyền quy định của một lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt như đã thể hiện.

- Với những bất cập trên, “số phận” công văn 1042 sẽ ra sao, thưa ông?

- Cục thấy rằng Công văn số 1042 có nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý. Theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, việc xử lý trước hết do các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công an (Cục CSGT đường bộ, đường sắt; Vụ Pháp chế - Bộ Công an; lãnh đạo Bộ Công an) thực hiện. Trường hợp các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của Bộ Công an không xử lý, Bộ Tư pháp thực hiện trách nhiệm kiểm tra, xử lý theo quy định của Chính phủ.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Xuân Toán, Văn phòng Luật sư Bình An (phường Láng Hạ, quận Đống Đa):
Văn bản dễ khiến người đọc hiểu sai

Không có căn cứ nào để Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) ban hành văn bản số 1042/C67-P3. Dù giải thích thế nào thì nội dung của văn bản này cũng khiến người đọc hiểu rằng trước khi quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ phải xin phép… Nhà báo hoạt động theo Luật Báo chí, CSGT cũng làm nhiệm vụ theo quy định, không ai cao hơn luật pháp. Vậy, tại sao văn bản 1042/C67-P3 lại tự cho mình quyền được hạn chế việc nhà báo tác nghiệp? Đây là điều phi lý, khiến người dân hiểu rằng văn bản này là chỗ dựa, là cách để dung túng, bao che cho những hành vi xấu của một số CSGT. Nếu CSGT thực hiện nhiệm vụ đúng quy định, đàng hoàng thì sợ gì việc công khai, minh bạch?

Ông Trần Bá Nam, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Oai:
Đã là quy định phải khả thi, phù hợp với thực tế

Thời gian qua, hoạt động tác nghiệp của nhà báo cũng như sự giám sát của nhân dân đã phát hiện ra các sai phạm, góp phần giúp Bộ Công an chấn chỉnh lực lượng CSGT. Quyền tự do dân chủ và tác nghiệp của báo chí được quy định tại Hiến pháp và pháp luật. Các quy định của các bộ, ngành được ban hành phải mang tính khả thi, phù hợp thực tế, đi vào cuộc sống. Văn bản số 1042/C67-P3/2013 chỉ mang tính nội bộ CSGT đường bộ - đường sắt (C67 - Bộ Công an). Hoạt động của lực lượng CSGT là công khai và tuân theo pháp luật, nếu họ làm đúng thì có gì phải e ngại việc nhà báo hay người dân quay phim, chụp ảnh?... Như vậy, việc người dân hay cơ quan báo chí quay phim, chụp ảnh để thực hiện giám sát và phản biện đối với các hoạt động của lực lượng thực thi công vụ là điều bình thường, góp phần tăng cường pháp chế XHCN.

Bà Vũ Phương Thảo (KĐT Linh Đàm, Hoàng Mai):
Lại thêm một văn bản... "lạ đời"

Thời gian qua, đã có không ít các văn bản "lạ đời" của nhiều bộ, ngành với các quy định thiếu tính thực tế được ban hành, gây không ít bức xúc trong dư luận. Văn bản 1042/C67-P3 của Cục CSGT đường bộ - đường sắt được ban hành mới đây là một kiểu quy định... "lạ đời" như vậy. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của báo chí được quy định tại Luật Báo chí là phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt; đấu tranh chống các hành vi tiêu cực. Thế nhưng quy định phải xin phép khi quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT thì thử hỏi các hành vi tiêu cực có còn được phát hiện, đấu tranh? Thêm vào đó, quyền giám sát của công dân đối với các hành vi nhũng nhiễu của CSGT cũng bị triệt tiêu. Có thể nói, các quy định tại văn bản này chủ yếu nhằm "trói tay" người dân, nhà báo tìm những chứng cớ tiêu cực của lực lượng CSGT khi thi hành công vụ.

Bà Nguyễn Thị Thúy, phường Hoàng Cầu (Đống Đa):
Văn bản chưa hợp lòng dân

Văn bản này khiến nhiều người nghĩ rằng ngành công an vẫn còn dung dưỡng cái sai, chưa dám nhận hết trách nhiệm về mình. Hy vọng qua "sự cố" này, ngành công an sẽ có sự điều chỉnh để tôn trọng hơn quyền của những ngành nghề khác, cũng như tôn trọng người dân.

Nhóm PV Ban Bạn đọc
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ yêu cầu xử lý việc "cấm cửa ghi hình" sai thẩm quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.