Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ tiếp tục huy động vàng trong dân

Thanh Nga| 11/02/2012 08:41

(HNM) - Giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới hàng triệu đồng/lượng, song có vẻ như tâm lý của người dân đã ổn định hơn khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố thông tin sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân để phục vụ cho phát triển KT-XH.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN sẽ quản lý thị trường vàng theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người dân trong dự trữ vàng, nhưng vẫn huy động đủ nguồn vốn để phục vụ cho phát triển KT-XH, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Theo đánh giá của NHNN, lượng vàng trong dân tương đối lớn, khoảng 300-500 tấn. NHNN đã trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Bên cạnh đó, vừa qua, Chính phủ  đã ban hành Nghị định số 95/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân để phục vụ cho phát triển KT-XH. Với các công cụ này, NHNN sẽ ngăn chặn được hiện tượng đầu cơ vàng trong nền kinh tế, bình ổn được thị trường vàng, điều tiết giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với giá vàng thế giới, đồng thời huy động được lượng vàng trong dân để bổ sung thêm nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng.

Huy động lượng vàng trong dân để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thanh Vân


Thông tin này đã nhận được sự đồng tình của hầu hết những người vốn có thói quen tích trữ vàng. Bởi theo nhiều người, gửi vàng cho ngân hàng giữ vừa bảo đảm an toàn, lại vừa có thêm lãi suất. Ngay cả khi lãi suất dự kiến chỉ ở mức 1-2%/năm, nhiều người vẫn khá hồ hởi, với tâm lý còn hơn giữ vàng ở nhà mà không được hưởng lãi. Bất chấp lãi suất VND đang ở mức 14%/năm, người dân cũng không mặn mà bằng việc mua vàng để gửi ngân hàng chỉ để lấy mức lãi suất khá "khiêm tốn" là 1-2%/năm.

Như vậy, sau một thời kỳ dài ngân hàng dừng huy động vàng, việc NHNN có thể sẽ huy động trở lại được coi là tin vui đối với hầu hết người dân đang giữ vàng. Thực tế là trước đây, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã huy động vàng và cho vay bằng vàng, nhưng thời gian vừa qua, đặc biệt là trong năm 2010 và 2011, sự biến động quá lớn của giá vàng làm cho việc huy động và cho vay bằng vàng của các TCTD gặp nhiều rủi ro, nên hoạt động này chưa phát huy được hiệu quả. Theo quy định tại nghị định mới thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng trên lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu, quyền tích trữ, quyền mua bán vàng của người dân. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, trong đề án huy động vàng, thời gian tới, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các TCTD, hay nói khác, các TCTD sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian, ở đây là TCTD. Mặt khác, với nhiều công cụ khác nhau, ví dụ kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế, Nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, do đó bảo đảm giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể sử dụng số vàng đó quy đổi thành ngoại tệ phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH.

Song, có một vấn đề là hầu hết các thương hiệu vàng miếng không phải SJC đều bị người dân đổ xô mang bán để chuyển sang tích trữ vàng SJC vì lo ngại ngân hàng chỉ huy động vàng SJC. Thực tế là kể từ thời điểm sau khi Thống đốc NHNN cho biết có thể sẽ đưa vàng SJC trở thành thương hiệu quốc gia, các loại vàng miếng không phải SJC "đuối" hẳn. Nhiều tháng nay, giá vàng miếng SJC cao hơn một số thương hiệu khác từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lượng. Tại thời điểm 15h ngày 10-2, vàng miếng SJC giao dịch ở mức 44,74 triệu đồng/lượng (mua vào)-44,84 triệu đồng/lượng (bán ra); vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu chỉ có giá 43,85 triệu đồng/lượng (mua vào)-44,1 triệu đồng/lượng (bán ra). Có một thực tế là ngay cả khi vàng miếng SJC cao hơn hẳn những loại vàng miếng khác, nhưng người dân vẫn mua vàng SJC và bán những thương hiệu vàng miếng khác. Quy đổi từ giá vàng thế giới ra VND theo tỷ giá, giá vàng SJC thường cao hơn giá thế giới khoảng 1-1,2 triệu đồng/lượng. Thời điểm 15h ngày 10-2 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đạt 1.732-1.733 USD/ounce.

Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý thị trường vàng, trong đó NHNN là chủ quản, cần có những giải pháp hợp lý để không chỉ bảo đảm quyền lợi của người dân, mà còn bảo đảm quyền lợi của chính các DN kinh doanh mặt hàng này. Việc người dân phản ứng bằng cách bán các thương hiệu vàng miếng khác để mua vàng SJC đã khiến nhiều DN rơi vào cảnh "khóc dở, mếu dở", vì không thể đủ nguồn vốn mua lại hết số lượng vàng do chính mình sản xuất trước đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ tiếp tục huy động vàng trong dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.