(HNMO) - Đó là thông tin được ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội nghị triển khai Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm diễn ra ngày 22-6 tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẩu phần ăn của người Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu về VCDD. Thiếu VCDD ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2015 cho thấy, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 27,8%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%; tỷ lệ thiếu vi ta min A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%; tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%; tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai trên toàn quốc ở mức 80,3%... Nghị định số 09/2016/NĐ-CP đã quy định bắt buộc tăng cường VCDD (bao gồm: i-ốt, sắt, kẽm và vitamin A) vào những thực phẩm như: Muối, bột mỳ, dầu thực vật.
Bà Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhấn mạnh, VCDD bao gồm (các vitamin: A, B,C D, E, K) và các khoáng chất (như: sắt, kẽm, iốt...) là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng không thể thiếu. Việc thiếu một số VCDD quan trọng như iốt, vitamin A, sắt, kẽm… lại đưa đến những hậu quả to lớn. Thiếu VCDD có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành… “Thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” do khó phát hiện, khi các triệu chứng biểu hiện thành bệnh đặc trưng như bệnh thiếu máu, khô mắt do thiếu vitamin A thì dễ phát hiện nhưng sự tăng trưởng và phát triển cả về thể chất và trí tuệ đã bị ảnh hưởng trong thời gian dài và đôi khi thiếu VCDD để lại những hậu quả nghiêm trọng, không thể hồi phục được”, bà Lê Bạch Mai nói.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), hiện các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp để cụ thể hóa Nghị định này. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bắt buộc tăng cường VCDD chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm VCDD và thực phẩm tăng cường VCDD không đạt quy chuẩn hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Bên cạnh tuyên truyền về tác dụng của việc tăng cường VCDD trong thực phẩm, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện Nghị định trên của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.