(HNMO) - Tối 7-10, thông tin về tình hình cung ứng xăng, dầu trong nước, Bộ Công Thương cho biết, trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…
Nguyên nhân chính của hiện tượng này là từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng, dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và lượng dự trữ theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng, dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu và thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu (đối với các thương nhân đầu mối) đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2022.
Đồng thời, ngày 6-10, liên bộ Công Thương – Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng, dầu trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng, dầu vào kỳ điều hành giá ngày 11-10, bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính.
Để bảo đảm cung ứng xăng, dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước, ngày 7-10, Bộ Công Thương đã có Công văn số 6192/BCT-TTTN, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn không để gián đoạn nguồn cung; duy trì bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ; đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu, thương nhân phân phối xăng, dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng, dầu một cách hợp lý.
Các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ việc bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn.
* Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Theo Bộ, trong 6 tháng năm 2022, giá xăng, dầu thế giới tăng mạnh và ở mức cao, để kiềm chế tác động của giá xăng, dầu tăng, nhà nước đã áp dụng triệt để các biện pháp bình ổn giá, trong đó có giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4-2022 và tiếp tục giảm kịch sàn trong khung thuế này từ ngày 11-7.
Trong bối cảnh đó, các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở được rà soát, đánh giá kỹ để xem xét điều chỉnh thận trọng, tránh ảnh hưởng đến giá xăng, dầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng đã điều chỉnh tăng chi phí định mức liên quan đến nguồn xăng, dầu nhập khẩu.
Từ tháng 7 đến nay, giá xăng, dầu trong nước đã liên tục giảm; đồng thời, việc kiểm soát lạm phát cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
Ngày 7-10, Bộ Tài chính đã có Công văn số 10281/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương tiếp tục thông báo điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở; đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương có phương án điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp để việc tăng chi phí định mức này không tác động làm tăng giá cơ sở tại kỳ điều hành.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, hiện nay nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng, dầu. Yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng, dầu thế giới, sản lượng tồn kho của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên.
Chiết khấu xăng, dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng, năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp, số lượng các kênh trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng, dầu và sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống. Vì vậy, cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng, dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí.
Cũng theo Bộ Tài chính, thời gian qua, thủ tục nhập khẩu và thông quan đối với mặt hàng xăng, dầu luôn được cơ quan Hải quan thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và theo đúng quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.