Đèo Bảo Lộc trên quốc lộ 20 bị sạt lở, quốc lộ 55 ngập úng, quốc lộ 28B xuống cấp sau đợt mưa lũ vừa qua khiến các nẻo đường lên Lâm Đồng và đến Đà Lạt có lúc gián đoạn. Địa phương và Trung ương đang nỗ lực thay đổi thực tế này.
Nguy cơ hiện hữu
Quốc lộ 20 chật hẹp lâu nay là con đường duy nhất nối Đông Nam Bộ với Lâm Đồng nói chung và thành phố du lịch Đà Lạt nói riêng. Trong khi đó, quốc lộ 28B là một con đường khác nối duyên hải Nam Trung Bộ với Lâm Đồng và Nam Tây Nguyên. Những con đường này lâu nay luôn trong tình trạng quá tải, xuống cấp và dễ tổn thương do thiên tai, khiến giao thông kết nối các vùng miền lên Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn.
Hiện việc đi từ cuối cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây lên Đà Lạt cũng khiến lái xe tiêu tốn ít nhất 6 giờ đồng hồ cho quãng đường 230km với tốc độ trung bình chỉ khoảng hơn 30km/h. Anh Vũ Trung Tiến, tài xế xe khách chuyên chạy tuyến đường này cho biết: “Đường đông, hẹp, nhiều giao cắt và qua nhiều khu dân cư khiến lái xe không thể chạy nhanh. Trên tuyến còn có những con đèo độ dốc cao, mặt đường hẹp, có va chạm là tắc đường”.
Còn anh Trương Chí Khang, một tài xế xe tải thường xuyên chạy trên quốc lộ 20 cho biết do vụ sạt lở mới đây khiến đèo Bảo Lộc tê liệt 3 ngày, anh và nhiều tài xế khác phải quay đầu xe tìm đường khác.
“Xe tôi phải quay lại, đi theo đường tỉnh ĐT721 sang ĐT 725 rồi mới quay xuống quốc lộ 20 phía bên kia đèo Bảo Lộc với tổng quãng đường xa gấp đôi. Những tuyến đường đó cũng đèo dốc nguy hiểm, mặt đường xấu, đi lại rất bất tiện”.
Đồng nghiệp cùng công ty anh Khang là anh Võ Trọng Trí từ thành phố Hồ Chí Minh còn phải lái xe theo một tuyến đường khác để lên Lâm Đồng. Theo đó, anh này phải đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Bình Thuận rồi theo quốc lộ 28B chạy gần 70km mới đến quốc lộ 20, đoạn chạy qua xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ngoài việc phải chạy đường vòng, tài xế lái xe trên tuyến đường này còn phải đối mặt với việc mặt đường đầy ổ gà, nhiều cầu yếu.
“Đường 28B đầy những khúc cua hẹp. Đèo Đại Ninh trên tuyến này toàn cua tay áo, cũng hay sạt lở khi mưa lớn. Trên đèo hay có sương mù, khiến tầm nhìn của tài xế rất hạn chế. Chạy xe trên tuyến này, chúng tôi chỉ dám cho xe chạy thật chậm để tránh va quệt, tai nạn”, anh Trí kể lại.
Những tuyến đường khác chạy từ duyên hải Nam Trung Bộ lên Lâm Đồng ít được các tài xế xe đường dài chọn vì cũng thường xuyên ngập lụt (quốc lộ 55) và do mặt đường xấu, nhỏ hẹp, chạy qua nhiều khu dân cư (quốc lộ 28). Có thể nói, với những con đường dễ bị tổn thương, nguy cơ Lâm Đồng bị “chia cắt giao thông” là hiện hữu.
Những hy vọng mới
Sau vụ đèo Bảo Lộc bị sạt lở khiến giao thông trên tuyến quốc lộ 20 bị cắt đứt, đường lên Lâm Đồng khó khăn, dư luận lại nhắc nhiều đến dự án cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vốn đã được lên ý tưởng từ lâu để phá thế độc đạo của quốc lộ 20, nhưng chưa thực hiện. Theo quy hoạch, cao tốc này dài 140km quy mô 4 làn xe và 2 làn khẩn cấp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, hiện các cơ quan chức năng đã thống nhất hướng tuyến, các vị trí giao cắt, nút giao hầm chui, đường gom dân sinh... Dự kiến trong quý III-2023, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; khởi công dự án trong quý IV.
“Chính phủ đã giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền dự án này với tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư (PPP) có sự góp vốn của nhà nước. Dự án dự kiến hoàn thành giữa năm 2026, phá thế độc đạo của quốc lộ 20”, ông Phạm S nói.
UBND tỉnh Lâm Đồng còn được Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền với dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (nối vào cao tốc Liên Khương - Đà Lạt). Trong khi đó, Bộ Giao thông - Vận tải được giao xem xét dự án cao tốc Tân Phú - Dầu Giây (nối vào cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây). Khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo tuyến cao tốc thông suốt từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt.
Đầu tháng 8 vừa qua, Cục Đường bộ cũng đã trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. Theo đó, tuyến đường dài khoảng 68km này sẽ được đầu tư nâng cấp 10 cầu và đường dọc tuyến theo quy mô đường cấp III đồng bằng, mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 14.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự kiến khởi công trong quý I-2024.
Theo Cục Đường bộ, việc nâng cấp tuyến đường quan trọng này sẽ giúp giảm chi phí vận tải hàng hóa, phát triển sản xuất, tiêu dùng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đồng thời tăng năng lực vận chuyển alumin, than đá và các vật tư thiết yếu đến và đi Nam Tây Nguyên thông qua Cảng tổng hợp Vĩnh Tân ở Bình Thuận.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã đề xuất Trung ương xem xét sớm đầu tư nâng cấp quốc lộ 28 và 55 để tăng cường kết nối Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. Các dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - dân sinh và an ninh - quốc phòng trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.