(HNM) - Trong tháng 7 này, Bộ KHCN sẽ tiến hành đợt thanh tra chuyên đề trên diện rộng đối với một số phương tiện đo nhóm 2 và các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế.
- Thưa ông, vì sao Bộ KHCN quyết định triển khai cuộc thanh tra diện rộng đối với một số phương tiện đo nhóm 2 và các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế?
- Chúng tôi tiến hành thanh tra diện rộng đối với một số phương tiện đo nhóm 2 và các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế là vì quyền lợi và sự an toàn của người dân. Bởi, số liệu thống kê của các Sở KHCN cũng như khảo sát thực tế của thanh tra bộ trong thời gian qua cho thấy, việc chấp hành các quy định pháp luật về đo lường của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng các loại phương tiện đo nhóm 2 (như cân khối lượng, đồng hồ đo điện năng, đo nước sinh hoạt, thiết bị đo dùng trong y tế…) có nhiều sai phạm. Đơn cử như tại Lâm Đồng, thanh tra 5 cơ sở thì có 4 cơ sở vi phạm do sử dụng đồng hồ đo điện năng hết thời hạn kiểm định; tại Nam Định kiểm tra 14 cơ sở kinh doanh nước sạch thì cả 14 cơ sở vi phạm; Bạc Liêu thanh tra 10 cơ sở y tế sử dụng phương tiện đo (huyết áp kế, nhiệt kế, điện tim, điện não) thì có 7 cơ sở vi phạm; tại Cao Bằng kiểm tra 22.391 đồng hồ đo nước thì có tới 15.000 chiếc đã quá thời hạn kiểm định... Điều này đã gây thiệt thòi cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh do các thiết bị đo không chính xác.
Thanh tra chuyên đề trên diện rộng với một số phương tiện đo nhóm 2 và các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế sẽ giúp người bệnh an toàn hơn. Ảnh: Minh Hải |
Mặc dù Luật Đo lường đã được ban hành từ năm 2011 và các nghị định cũng đã được ban hành nhưng kiểm tra thực tế cho thấy luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Bởi vậy, với đợt kiểm tra này chúng tôi hy vọng sẽ góp phần đưa luật vào cuộc sống tốt hơn, đặc biệt là mảng đo lường liên quan trực tiếp tới người tiêu dùng (bởi thông thường người dân không có điều kiện để kiểm tra), tránh làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Ngoài ra, năm 2013, có 36 Sở KHCN đã thanh tra 682 cơ sở tiến hành công việc có liên quan đến bức xạ và phát hiện 54 cơ sở sai phạm, điển hình như TP Hồ Chí Minh có 12/40 cơ sở phát hiện vi phạm, Phú Thọ 8/26 cơ sở, Bình Dương 6/25 cơ sở. Hầu hết các cơ sở khi thanh tra đều phát hiện có những hành vi vi phạm tái diễn nhiều lần, ở một số việc cụ thể như: Chấp hành quy định về khai báo, xin cấp phép tiến hành công việc bức xạ; quy trình hướng dẫn vận hành an toàn thiết bị, nội quy an toàn bức xạ tại nơi đặt thiết bị; việc thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý về an toàn bức xạ... Tất cả các hành vi vi phạm này đều gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh, nhân viên vận hành máy X-quang nhưng không bị phát hiện nên tái diễn và chưa bị xử lý nghiêm.
- Vậy Bộ sẽ tiến hành thanh tra các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế thế nào, thưa ông?
- Bộ KHCN tiến hành thanh tra nhiều mảng tại các cơ sở X-quang y tế. Bởi lẽ, thiết bị này được quản lý rất chặt, từ việc khai báo, cấp phép… cho tới việc các phòng vận hành thiết bị phải bảo đảm tiêu chuẩn; người vận hành, sử dụng thiết bị phải được đào tạo và có chứng chỉ đào tạo, người sử dụng trực tiếp phải có liều kế cá nhân; phải có bức che chắn, các thiết bị như kính chì, áo chì… để bảo đảm an toàn. Do vậy, trong đợt thanh tra này, chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ lưỡng nhiều mặt đối với các cơ sở có sử dụng thiết bị X-quang y tế. Ngoài ra, thanh tra bộ cũng sẽ kiểm tra quá trình vận hành có bảo đảm an toàn, lọt tia phóng xạ ra ngoài không…?.
- Khi phát hiện sai phạm, Bộ sẽ áp dụng hình thức xử phạt như thế nào?
- Theo Nghị định số 80/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, thì đối tượng vi phạm là cá nhân sẽ bị phạt cao nhất là 150 triệu đồng; tổ chức là 300 triệu đồng. Riêng trong lĩnh vực X-quang y tế, Nghị định 107/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã quy định rất rõ, mức xử phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm. Bên cạnh hình thức xử phạt chính nói trên, tùy từng trường hợp cụ thể, Bộ có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Thu hồi thiết bị sai để hiệu chỉnh và kiểm định lại; thu hồi khoản lợi nhuận do kinh doanh bất hợp pháp…
- Để cuộc thanh tra chuyên đề này đạt kết quả chính xác, Bộ đã tiến hành các khâu chuẩn bị ra sao, thưa ông?
- Đợt thanh tra này sẽ được tập trung trong 3 tháng (bắt đầu từ tháng 7), tùy tình hình thực tế, đoàn thanh tra sẽ xác định trọng tâm và thời gian triển khai đối với từng địa phương sao cho bảo đảm kết quả tốt nhất. Trước đó, Bộ KHCN đã có Công văn số 1159/BKHCN-TTra gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp thanh tra, trong đó, giao Sở KHCN địa phương chủ trì, phối hợp với sở Công thương, Y tế, Công an và các đơn vị liên quan thực hiện đợt thanh tra diện rộng này. Tháng 6 vừa qua, Thanh tra Bộ KHCN cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn thanh tra trong lĩnh vực trên cho gần 250 cán bộ thuộc 63 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, có tỉnh cử cả cán bộ cấp huyện để tập huấn, phối hợp thanh tra.
Chúng tôi hy vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn, chắc chắn đợt thanh tra sẽ thu được những kết quả tốt, tạo được quan tâm và có hiệu ứng lan tỏa đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời có sức răn đe đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, việc phối hợp ra quân sẽ giúp các ngành nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.