Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn!Mỗi dịp đầu thu, trong làng lại rộn rã tiếng chày giã cốm. Cốm đem bán khắp kinh thành, dâng lên bàn thờ tổ tiên vào đúng ngày Rằm tháng 8. Cốm Vòng trở thành miếng ngon của đất Thăng Long, đã đi vào thi ca, nhạc họa với mùa thu rực vàng sắc lá.
Chuyện xưa kể lại rằng, vào khoảng thời nhà Lý (thế kỷ XI), có năm lụt lội, mất mùa khiến người dân đói kém, chỉ kiếm được rau dại ăn qua ngày. Dân làng Vòng ở vùng đất cao phía Tây kinh thành nên giữ được mấy vạt lúa nếp mới đông sữa, đang uốn câu, bèn cắt cử người trông nom, chờ ngày lúa chín. Có người đói quá bứt ít nếp non, gom củi đốt cho chín để cắn chắt. Bông lúa nướng xong ăn thấy dẻo, thơm và ngọt. Sau đó, chính người nông dân này nghĩ ra cách cho hạt lúa vào rang chín, đem giã bằng cối, loại hết vỏ trấu. Nhờ đó, gia đìnhông và cả làng Vòng qua được nạn đói nhờ ăn nếp non. Những lời đồn đại về một món ăn lạ đến tai triều đình. Khi nhận được lệnh truyền của nhà vua, dân làng đã mang dâng món ăn này, gói trong lá sen. Từ đó dân làng Vòng có nghề cốm, mọi người quen gọi là cốm làng Vòng. Mỗi dịp đầu thu, trong làng lại rộn rã tiếng chày giã cốm. Cốm đem bán khắp kinh thành, dâng lên bàn thờ tổ tiên vào đúng ngày Rằm tháng 8. Cốm Vòng trở thành miếng ngon của đất Thăng Long, đã đi vào thi ca, nhạc họa với mùa thu rực vàng sắc lá.
Đến làng Vòng trong tiết thu dịu nhẹ, vào mùa cốm nhưng rất trầm lắng. Tiếng chày giã lúa thôi rộn rã, chỉ còn lấp ló trong ngõ hẹp bó rơm nếp xanh phơi khô để bện chổi nằm bên những vách nhà. Chỉ thấy san sát những dãy nhà trọ lợp phibờrô ximăng còn thơm mùi vôi vữa và rậm rịch những bước chân của sinh viên chứ không còn thấy bóng người quẩy gánh bán cốm. Hương thơm đồng nội của cốm Vòng không còn thấy vấn vít những người khách lạ.
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới hỏi thăm được địa chỉ của những gia đình làm cốm. Bác Na, 58 tuổi, người nhỏ bé ngồi nép mình bên vách bếp chật chội, đủ để vừa cho một lò đất rang cốm rực lửa hồng. Ông kể: “Tôi theo nghề từ 15 tuổi, từng được thấy những ngày hưng thịnh của nghề. Hơn 80% hộ dân trồng lúa, mua lúa non về làm cốm. Vào mùa cốm cả làng nhộn nhịp tiếng chày, tiếng sàng sảy, tiếng máy tuốt lúa. Đường làng rơm nếp phơi trắng xoá, mùi thơm lan tỏa cả vùng trời. Người làng bên đua chen về làng mua cốm đi bán khắp phố phường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhà tôi từ già đến trẻ, 5-6 người đều làm cốm với 3-4 sào ruộng. Vào chính vụ, ruộng nhà cấy không đủ thì sang Đông Anh, Từ Liêm mua nếp non về làm, mỗi ngày xuất hơn tạ cốm. Nay thì ruộng mất, nếp không có để làm cốm, chỉ vì muốn giữ nghề nên gia đình tôi đi mua lúa nếp tận Diễn, Đông Anh. Nhưng cũng chỉ đủ 2-3 người làm và chỉ làm ra được 10 cân cốm là cùng. Có lẽ nghề cốm sẽ chết mất. Tôi già cả không nghề đã đành nhưngcon dâu tôi chỉ biết mỗi nghề cốm, hiện nó đang thất nghiệp”.
Không riêng gia đình nhà bác Na, các hộ khác của làng Vòng cũng bị mất ruộng, không thể trồng lúa nếp, làm nghề và duy trì nghề hàng trăm năm của tổ tiên.
Cốm Vòng nức tiếng cả nước vì cái vị thơm, dẻo ngọt của lúa nếp cái hoa vàng. Nhưng làm cốm đặcsản khá vất vả, thu nhập lại không cao. Ruộng mất, dân phải đạp xe sang Đông Anh, Gia Lâm mua lúa. Giống lúa thay đổi, họ phải làm giống nếp lai của Nhật, Triều Tiên. Có được lúa nếp, để làm được mẻ cốm còn phải qua nhiều khâu như suốt, đãi, rang, sàng sảy, phân loại và tiêu thụ. Gia đình bác Thư, 50 tuổi hiện được coi là làm nhiều nhất nhì làng, thu nhập từ cốm chỉ đủ qua ngày. Nhà bác có 5 người làm, thu về cả vốn lẫn lãi 600.000 đ/ ngày, tiền công mỗi người chỉ 20.000 đ. Khó khăn nữa là cốm làm ra chỉ giữ được trong 24 tiếng. Có ngày không bán hết, nhà bác Thư phải chịu lỗ gần 500.000đ. Vì thế, những hộ làm cốm chỉ mong đủ ăn chứ không mơ làm giàu. Một số gia đình cố giữ lấy nghề nhưng bấp bênh vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu. Khi người dân vùng khác không cấy lúa nếp làm cốm như nếp hoa vàng, nếp rụt, nếp mỡ và cả nếp lai của Nhật, Triều Tiên thì có lẽ làng Vòng cũng phải để cho nghề cốm ra đi. Dân làng nhớ nghề, sang Mễ Trì mua cốm đi bán, dù rất đau lòng nhưng cũng chấp nhận kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Thị trường giờ nhiều cốm Mễ Trì, cốm Thanh Hương, còn cốm Vòng chỉ bán rải rác ở chợ Hôm, chợ Hàng Da và mạn phố cổ.
Được biết phường Dịch Vọng có đề án giữ nghề truyền thống và tạo công ăn việc làm. Dự án đã được lập, nhưng trước tình trạng đô thị hóa mạnh như hiện nay thì làng Vòng đang đứng trước nguy cơ mất hẳn nghề cốm cổ truyền. Một trong nhữngnét đẹp văn hóa ẩm thực của người Tràng An rồi sẽ chỉ còn lại trong ký ức ? Thế hệ tương lai chỉ biết danh cốm Vòng qua ca dao chứ không bao giờ được nhâm nhi hạt cốm dẻo thơm với màu xanh non quyến rũ trong lá sen mềm mại nữa.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.