(HNMO) – Trong những ngày gần đây, dư luận ồn ã thông tin, dù đã bước vào mùa tiêu thụ đường (nắng nóng, chuẩn bị sản xuất bánh kẹo cho Tết Trung thu); tuy nhiên, các nhà máy sản xuất đường trong nước lại không tiêu thụ được đường, tồn kho lớn...
Để làm rõ tình trạng trên, sáng 13/4, Bộ Công thương đã tổ chức buổi họp báo về cân đối cung cầu và điều hành nhập khẩu đường năm 2011, với sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên.
Tại cuộc họp, bà Lương Anh Quỳnh – Vụ phó Vụ xuất nhập khẩu Bộ Công thương cho biết: Sản lượng đường sản xuất vụ 2010 – 2011 ước đạt 1,1 triệu tấn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước (đánh giá khoảng trên 1,4 triệu tấn năm 2011) và việc các Bộ phối hợp xác định, công bố và cấp phép nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2011 với khối lượng 250.000 tấn là phù hợp với nhu cầu.
Theo bà Quỳnh, tồn kho đường tại các nhà máy đến 15/4 khoảng 525.000 tấn không phải là tồn kho ứ đọng vì đường là mặt hàng sản xuất theo mùa vụ nhưng sử dụng cả năm. Đây là nguồn hàng cần sử dụng cho 5- 6 tháng tới (thông thường vụ mía đường bắt đầu từ tháng 9 hàng năm nhưng phụ thuộc vào diễn biến thời tiết, nên có thể bắt đầu chậm hơn 1- 2 tháng). Việc tiêu thụ đường trong 4 tháng đầu năm 2011 diễn ra bình thường, thậm chí đã tăng cao cùng kỳ năm 2010 (cao hơn 80.000) tấn. Với mức giá thu mua mía vụ 2010 – 2011 (theo chỉ đạo của Bộ NN &PTNT), giá bán đường hiện nay đã đảm bảo quyền lợi cho nông dân trồng mía và cho các nhà máy đường.
Theo đó, bà Quỳnh phân tích, khó khăn mà các nhà máy đường phản ánh hiện nay có 3 nguyên nhân chính. Một là, về vốn và lãi suất, cũng là khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí cho lãi suất tiền vay ngân hàng để giữ một lượng đường tồn kho lớn là sức ép cho các nhà máy đường. Hai là phương thức tiêu thụ đường có nhiều bất cập trong việc ký kết các hợp đồng tiêu thụ dài hạn giữa các nhà máy đường với các doanh nghiệp sản xuất, thương mại (khi giá đường biến động theo chiều hướng tăng, thế mạnh thuộc về các nhà máy đường, khi nguồn cung khá ổn định, giá có xu hướng giảm, các doanh nghiệp chỉ mua để tiêu thụ ngay nên tồn kho tập trung ở các nhà máy đường). Ba là, đường nhập lậu với giá thành cạnh tranh, sản lượng đường tăng cao của Thái Lan trùng với thời vụ đường nước ta là yếu tố bất lợi cho việc ngăn chặn đường nhập lậu.
Tại cuộc họp, ông Đoàn Xuân Hòa – Phó Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) lại đặt câu hỏi, việc tiêu thụ đường ngưng trệ hiện nay có phải do việc nhập khẩu đường tác động đến thị trường trong nước không? Thực tế 4 tháng đầu năm, tổng lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch hải quan là 53.250 tấn, chỉ bằng 79% so với cùng kỳ năm 2010. Tính cân đối cung cầu đến hết tháng 7/2011, nguồn đường dự kiến sẽ có khoảng 670.000 tấn, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng khoảng 5 tháng cao điểm (mùa nắng nóng và nguyên liệu sản xuất phục vụ Tết Trung thu), đủ đến tháng 9 năm 2011 không có biến động lớn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, quyết định của các Bộ cho nhập khẩu đường vào đầu vụ sản xuất (cuối tháng 12/2010, đầu tháng 1/2011), gây khó khăn cho ngành đường sản xuất trong nước (vì năm nay sản lượng tăng). Các nhà máy đường hiện đang gặp khó khăn kép do giá đường hạ, lãi suất tăng, tồn kho lớn. Đáng chú ý là khác với các nhà máy sản xuất công nghiệp khác, nếu tồn kho có thể ngưng sản xuất, nhà máy đường vẫn phải hoạt động, thu mua mía cho bà con nông dân, không người nông dân sẽ bỏ cây mía không trồng cho vụ sau. Hơn nữa, ông Long đánh giá, số lượng đường tồn kho hiện trên 800.000 tấn (khác với số Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT thống kê), tiêu thụ ước tính đến tháng 9/2011, sẽ vẫn còn tồn khoảng 100.000 tấn, ảnh hưởng đến vụ sản xuất năm sau. Do đó, ông Long kiến nghị, còn khoảng 120.000 tấn đường theo hạn ngạch chưa nhập, Bộ Công thương giãn tiến độ việc nhập khẩu này trong những tháng cuối năm; Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính ủng hộ để giá đường ở mức tương đối cao để kích thích nông dân trồng mía.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, tại sau để giá đường cao để bảo hộ cho 1 triệu nông dân trồng mía, trong khi đó hàng triệu người tiêu dùng khác, trong đó có cả nông dân phải chịu giá đường cao, ông Long lý giải, nếu giá mía và giá đường thấp, người nông dân không trồng mía, ngành sản xuất đường chết yểu, phụ thuộc vào giá nhập khẩu biến động của thị trường thế giới. Còn nếu mỗi người tiêu dùng chịu thiệt 1 ít, ví như mua đắt khoảng 4.000/kg nhân với mức bình quân tiêu thụ đường bình quân 10 kg đường/năm; mỗi năm người tiêu dùng cũng chỉ thiệt 40.000 đồng là có thể chấp nhận được để cho ngành sản xuất đường trong nước phát triển.
Tại cuộc họp báo, cũng có ý kiến phóng viên hỏi, giữa giá đường nhà máy bán ra (khoảng 18.000đ/kg) với giá bán lẻ đường có nơi lên tới 26.000đ/kg; khâu lưu thông ăn chênh lệch quá nhiều giá là do đâu? Ý kiến từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng có sự bất cập trong việc phân phối từ nhà máy đường ra các công ty thương mại. Tuy nhiên, ông Long lại không đồng tình quan điểm trên, cho rằng giá công bố từ nhà máy là giá bán đường sỉ (theo bao 50kg), còn giá bán đường đến tay người tiêu dùng là giá bán lẻ, đã được đóng gói chia nhỏ theo loại, 500g – 1kg, phụ thuộc vào nhà phân phối.
Trước những vấn đề còn nhiều bàn luận trên, tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, tới đây Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội mía đường cần ngồi lại để tiếp tục rà soát cung – cầu lượng đường cho đến mùa vụ sau. Hơn nữa, để giải tỏa vấn đề tâm lý và áp lực đường đang tồn kho nhiều, Bộ Công thương quyết định giãn tiến độ việc nhập khẩu lượng đường theo hạn ngạch còn lại (tuy nhiên giãn đến bao giờ sẽ thông báo sau); Bộ cũng kêu gọi các nhà máy sản xuất bánh kẹo, sữa… ưu tiên tiêu thụ đường trong nước. Bộ cũng sẽ phối hợp với cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng để ngăn chặn việc đường nhập lậu vào nước ta.
Có thể thấy, qua câu chuyện tồn ứ đường sản xuất trong nước vừa qua và các cơ quan nhà nước phải đứng ra can thiệp, ngành sản xuất mía đường cũng như nhiều ngành chế biến nông sản của nước ta còn rất bất ổn, chưa có chiến lược phát triển dài hơi, chưa hoạt động được bình thường theo cơ chế thị trường; người nông dân được mùa lại lo rớt giá vẫn còn là câu chuyện dài dài…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.