(HNMO) - Ngày 11-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) mới được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ mười.
Trong đó, Luật Cư trú nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021, Luật Cư trú gồm 7 chương với 38 điều. Một trong những quy định đáng chú ý là xóa điều kiện riêng khi muốn nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng nghĩa, công dân khi muốn đăng ký thường trú vào thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không bị phân biệt về điều kiện.
Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.
Cụ thể, công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó; khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại... thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình.
Một điểm mới nữa, theo Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Luật Cư trú đã thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang quản lý bằng công nghệ thông tin, cụ thể là quản lý bằng mã số định danh cá nhân để truy cập điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ đó khi thực hiện thủ tục hành chính. Thay vào đó, công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân, hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng.
Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31-12-2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.