(HNM) - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, đến đầu tháng 5, các yếu tố đầu vào của ngành điện có nhiều biến động.
Trong đó, tỷ giá tăng khoảng 0,6%; nhiên liệu tăng nhiều, giảm ít (khí tăng 10,4%, dầu FO tăng hơn 40%, than giảm 0,3%); sản lượng thủy điện, nhiệt điện chạy dầu giảm… làm giá thành sản xuất điện tăng khoảng 3,29%, tương đương 42,85 đồng/kWh. Khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá (15.463 tỷ đồng), chênh lệch do mua điện giá cao (8.040 tỷ đồng) tới đây sẽ phải tính lại, nên giá điện sẽ phải điều chỉnh. Tuy nhiên, điều chỉnh ở mức độ nào đơn vị kinh doanh phải lập phương án, nếu mức điều chỉnh hợp lý và dưới 5% DN có thể tự quyết, cao hơn, Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ phải cho ý kiến. Như vậy, việc điều chỉnh giá điện là khó tránh khỏi trong thời gian tới. Giá xăng, dầu và tới đây là điện ở mức cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào của DN hoạt động SXKD. Tuy nhiên, việc giảm giá xăng ngày 9-5 phần nào giúp "hạ nhiệt" tốc độ tăng CPI. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, xăng dầu chiếm tỷ trọng 3,2% trong rổ hàng hóa tính CPI. Với mức giảm 500 đồng sẽ tác động trực tiếp khiến CPI giảm khoảng 0,07%. Về gián tiếp, tác động lên các mặt hàng sử dụng xăng dầu, giảm giá xăng sẽ làm giảm chỉ số CPI khoảng 0,17%. Tính chung việc giảm giá xăng sẽ làm giảm CPI khoảng hơn 0,24%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.