(HNM) - Theo một lãnh đạo ngành thể thao, ngay sau khi các VĐV Nguyễn Phương Đông (Hải Phòng) và Lương Đức Toàn (Hà Nội) bỏ trốn khỏi đội tuyển Rowing Việt Nam vào đêm 10-3, Tổng cục TDTT đã cử cán bộ đến từng nhà các VĐV này để tìm hiểu tình hình và nhận thấy có dấu hiệu của sự chuẩn bị từ trước.
Ngay trong chiều qua (19-3), lãnh đạo Tổng cục TDTT đã gửi báo cáo lên Bộ VH,TT&DL về toàn bộ sự việc. Cụ thể, đội tuyển Rowing quốc gia với 8 VĐV là: Lương Đức Toàn, Nguyễn Phương Đông, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Nguyên, Lê Thị An, Phạm Thị Hài, Phạm Thị Thảo và Trần Thị Sâm được bộ môn và Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam cử đi tập huấn một tháng tại Australia với sự giúp đỡ của chuyên gia đua thuyền người Australia Joe Donnelly từ ngày 13-2. Trong đêm 10-3, ngay sau khi đoàn về đến Sydney để chuẩn bị bay về Việt Nam thì hai VĐV Nguyễn Phương Đông (Hải Phòng) và Lương Đức Toàn (Hà Nội) đã bất ngờ bỏ trốn.
Theo báo cáo của người chịu trách nhiệm dẫn dắt các VĐV là HLV Đỗ Mạnh Tùng, đoàn đã lập tức báo cáo và đề nghị cảnh sát sở tại bắt giữ các VĐV nói trên. Tuy nhiên, theo trả lời của cảnh sát địa phương, cho đến khi các VĐV trên chưa vi phạm pháp luật và vẫn còn thời hạn visa (đến ngày 4-5) thì việc triển khai truy bắt các VĐV nói trên chưa được thực hiện. Ngay sau khi về đến Việt Nam, toàn bộ đội tuyển, từ các HLV đến VĐV, được lệnh giấu kín thông tin nói trên và chỉ báo cáo tình hình với lãnh đạo.
Ngay lập tức, việc tìm hiểu thông tin về các VĐV nói trên đã được Bộ môn Đua thuyền Tổng cục TDTT triển khai. Theo người nhà Nguyễn Phương Đông thì VĐV này có người chị họ đang sinh sống tại Australia và trong quá trình ở Australia, Đông đã gọi điện về nhà lấy địa chỉ, số điện thoại của người chị nói trên. Tương tự, người nhà Lương Đức Toàn tại Hải Dương (Toàn là VĐV Hải Dương thi đấu cho đội Hà Nội) cũng cho biết, hàng xóm của Toàn có người ở bên Australia và Toàn cũng đã chuẩn bị trước việc liên hệ với người này khi sang Australia. Vì thế, theo suy đoán của BHL, hai VĐV này đang nhờ người quen bên Australia thu xếp nơi trú ẩn và tìm việc làm. Trong quá trình tập huấn tại Australia, BHL cũng đã quản lý sinh hoạt của các VĐV rất chặt nên dù cố gắng thì các VĐV này không thể mang theo hành lý và hộ chiếu trước khi bỏ trốn.
Theo đúng quy trình, Tổng cục TDTT đang thu thập tư liệu để báo cáo sự việc trên với Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh để thông báo sự việc cho Đại sứ quán Việt Nam ở Australia. Sau đó, cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục phối hợp với cảnh sát địa phương tiếp tục truy bắt các VĐV này. Theo một lãnh đạo Tổng cục TDTT, cảnh sát Australia rất nghiêm khắc với những trường hợp bỏ trốn theo kiểu như trên nên khả năng các VĐV này bị bắt lại là khá cao.
Ông Nguyễn Hải Đường, Trưởng bộ môn Đua thuyền Tổng cục TDTT cũng cho biết, sự việc hai VĐV nói trên bỏ trốn không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành thể thao mà còn làm cho kế hoạch chuẩn bị vòng loại Olympic của môn Rowing bị xáo trộn nghiêm trọng, bởi Nguyễn Phương Đông là niềm hy vọng đến London của môn này. Trước mắt, do VĐV nói trên bỏ trốn nên việc xin visa vào Australia của các đội thể thao Việt Nam trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong quá khứ, đã có 6 VĐV môn vật bỏ trốn ở Hàn Quốc (3 VĐV Phí Hữu Sơn, Nguyễn Đình Đức, Nguyễn Hữu Kim năm 2002, 3 VĐV Nguyễn Doãn Dũng, Dương Đình Nam, Nguyễn Văn Phong năm 2008) và toàn bộ các chuyến tập huấn sau đó tại Hàn Quốc đều bị cảnh sát sở tại kiểm soát rất gắt gao.
Chuyến tập huấn nói trên của đội Rowing Việt Nam là nhờ sự tài trợ và bảo lãnh của chuyên gia người Australia Joe Donnelly nên việc hai VĐV trên bỏ trốn khiến ông Joe Donnelly rất đau lòng. Ông Joe Donnelly từng nhiều lần bỏ tiền túi tài trợ cho các chuyến tập huấn của đội Rowing Việt Nam trước đây, nhưng chỉ đến lần này mới xảy ra bất trắc. Trước mắt, ông Joe Donnelly đã đến các địa chỉ người nhà của hai VĐV bỏ trốn tại Australia để thuyết phục, vận động họ về nước trước khi hết hạn visa và tránh bị cảnh sát bắt lại. Hy vọng sự việc sẽ được thu xếp tốt đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.