Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ có sự thay đổi về cán cân xuất - nhập khẩu?

Anh Minh| 23/02/2015 06:40

(HNM) - Hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam những năm gần đây đã đạt kết quả khá tích cực, đáng chú ý là đã có xuất siêu. Điều đó thể hiện sức mạnh nội lực của hàng hóa Việt nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.



Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2015 có thể có diễn biến ngược lại, do xuất hiện một số yếu tố mới. Trước hết, tuy xuất khẩu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng nhưng đang có biểu hiện suy giảm. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu tháng 1-2015 của cả nước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ, trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 1-2014 đạt 13,4 tỷ USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2013. Đó là con số chênh lệch đáng kể và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm đã khiến nền kinh tế nhập siêu 0,5 tỷ USD trong tháng đầu của năm 2015.

Mặt hàng dệt may của Việt Nam luôn chiếm ưu thế trong hoạt động xuất khẩu. Ảnh: Bá Hoạt


Các chuyên gia cho rằng, mặc dù mới là đầu năm, nhưng khả năng nhập siêu trong năm 2015 gần như là chắc chắn. Các chuyên gia lý giải, khả năng nhập siêu cao trước hết là do nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) tăng mạnh từ cuối năm 2014 khi nền kinh tế "ấm" dần lên, giúp nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh phục hồi rõ rệt. Nói cách khác, sau giai đoạn khó khăn, phải giảm tiết giảm năng lực sản xuất, đến nay các DN đang nỗ lực khôi phục công suất hoạt động như trước, dẫn tới "đói" nguyên vật liệu. Tiếp theo, cần nhận diện rõ một đặc điểm là giá trị nhập khẩu tăng cao chủ yếu do khối DN 100% vốn trong nước thực hiện, với các loại nguyên, vật liệu nhập khẩu để tiêu thụ nội địa hoặc phục vụ mục tiêu chế biến hàng xuất khẩu, gồm phụ liệu ngành may, sợi, vải, thép, xăng dầu, linh kiện điện tử…

Dự báo, tốc độ và mức nhập khẩu như vậy sẽ tiếp diễn trong nhiều tháng tới và dẫn tới nhập siêu ít nhất là 6 tỷ USD trong năm 2015. Đây là bài toán cần có sự chuẩn bị ứng phó và hướng xử lý càng sớm càng tốt từ phía các cấp điều hành vĩ mô. Nhưng, phân tích sâu sắc về vấn đề trên có thể thấy cả yếu tố tích cực vì một tỷ lệ lớn của hàng nhập khẩu được các DN sản xuất ra hàng xuất khẩu, góp phần kích thích hoạt động sản xuất trên diện rộng, đồng thời thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng hướng về xuất khẩu của nền kinh tế. Việt Nam vẫn là nước đang phát triển nên thường phải nhập khẩu các loại nguyên liệu đầu vào cũng như một số mặt hàng phục vụ tiêu dùng, nhưng đòi hỏi phải kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là những mặt hàng không khuyến khích như hàng tiêu dùng, hàng xa xỉ…

Trong một diễn biến khác, Chính phủ đang tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục ủng hộ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm tăng tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa do DN trong nước sản xuất; nhất là thông qua việc mua hàng tiêu dùng hoặc triển khai hoạt động hợp tác, liên kết giữa các DN trong việc mua sản phẩm của nhau thay vì nhập khẩu. Đó là biện pháp phù hợp, dễ thực hiện và mang lại hai lợi ích to lớn là tăng khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa kết hợp giảm thiểu mức nhập khẩu; từ đó góp phần hạn chế nhập siêu. Sau cùng là Chính phủ, Bộ Công thương sẽ chủ động theo dõi diễn biến thị trường quốc tế, lồng ghép mục tiêu xúc tiến thương mại trong các hoạt động đối ngoại để hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta năm nay vẫn có nhiều thời cơ để tăng trưởng do nhu cầu tiêu dùng của nhiều đối tác, khu vực đang hồi phục như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU bên cạnh một số thị trường nhỏ lẻ như Nam Mỹ, Châu Phi, Trung Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có sự thay đổi về cán cân xuất - nhập khẩu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.