(HNMO) - Ngày 12-8 tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn Kiểm tra của Bộ GTVT do ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ ATGT dẫn đầu đã có buổi làm việc với đại diện các chủ tàu cánh ngầm...
Tại buổi làm việc, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam cho rằng, sông Sài Gòn không thích hợp lắm cho tàu do sông nhiều rác cây, bùn nên dễ bị hút vào máy và làm bịt các thông hơi. Các doanh nghiệp cần cẩn thận trong phương án thiết kế, vì tàu sử dụng đã 20 năm, hệ thống dây điện dễ bị lão hóa, nguy cơ cháy nổ rất cao; các nẹp thân tàu phải được nẹp liên tục, nhôm của nẹp phải đồng nhất với nhôm thân tàu vì nếu không đồng nhất thì khi bị nước biển ăn mòn sẽ tạo thành cực pin, rất nguy hiểm. Ngoài ra chủ tàu cũng không nên tùy tiện mua ở “chợ trời” hệ thống đinh tán mà phải đồng bộ với kết cấu tàu; không được lắp ráp một cách chống chế.
Cũng theo ông Trần Kỳ Hình, Cục Đăng kiểm sẽ soạn lại phương án tìm kiếm cứu nạn cứu hộ đối với tàu cánh ngầm; chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc phục vụ mọi yêu cầu của chủ tàu trên tinh thần kiên quyết, quyết liệt. Kể từ khi ngừng hoạt động đến nay đã 8 tháng, tàu đã hết thời hạn kiểm định cũ và đến chu kỳ kiểm định mới, cho nên ngoài việc kiểm tra một lần nữa các khiếm khuyết mà chủ tàu khắc phục còn phải kiểm định lại các kĩ thuật khác.
Tương tự, ông Phạm Ninh, Giám đốc Chi cục đăng kiểm 6 cũng yêu cầu các chủ tàu phải chủ động khắc phục toàn bộ các khiếm khuyết và sớm bổ sung phương án thiết kế về việc lắp ráp các thiết bị phòng cháy chữa cháy đúng quy chuẩn trên tàu. Cũng theo ông Ninh, Chị cục đăng kiểm 6 sẽ hỗ trợ tối đa về nhân lực và thời gian, kể cả làm việc với chủ tàu vào chủ nhật để sớm đưa tàu đạt tiêu chuẩn vào hoạt động.
Theo ông Bùi Công Trùng, Tổng giám đốc Công ty CP tàu cao tốc Vina Express, sẽ chủ động đáp ứng mọi yêu cầu mà đoàn kiểm tra đưa ra. “Thế nhưng, khi khắc phục xong các yêu cầu trên theo đúng tiêu chuẩn thì khi nào tàu mới được cấp phép chạy?”, ông Trùng đặt vấn đề.
Để giải đáp thắc mắc trên, ông Nguyễn Văn Thuấn khẳng định, khi nào doanh nghiệp tàu cánh ngầm khắc phục xong thì khi đó sẽ chắc chắn cho hoạt động trở lại. Bây giờ chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp có chủ động khắc phục sớm hay không thôi? Nếu xong sớm thì sẽ chạy sớm. Cũng theo ông Thuấn, các đơn vị từ chủ tàu đến cơ quan quản lý nhà nước cần phải phối hợp nhịp nhàng, tránh tình trạng doanh nghiệp đã khắc phục rồi mà cơ quan đăng kiểm bắt phải làm lại.
Trước đó, ngày 11-8, Bộ GTVT có văn bản số: 9811/BGTVT-ATGT về việc hoạt động trở lại của tàu cao tốc cánh ngầm, nêu rõ: chỉ cấp phép cho tàu hoạt động trở lại sau khi các tàu được cơ quan đăng kiểm kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ đạt yêu cầu. Được biết, kế hoạch thực hiện trong tháng 8 trước khi báo cáo lên Bộ GTVT đưa ra quyết định cuối cùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.