(HNMO) - Những nhà thầu có lịch sử vi phạm sẽ bị hạ điểm uy tín và sẽ gặp bất lợi khi tham gia dự thầu sau này.
Chiều 8-1, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tổ chức họp báo chuyên đề về một số nội dung liên quan đến hoạt động xuất cấp hàng dự trữ quốc gia.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng lại không ký hợp đồng như thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cho biết, ngay sau khi doanh nghiệp trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã rà soát các quy định về đấu thầu, báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ các giải pháp triển khai nhằm khắc phục tình trạng trên và Chính phủ đã có ý kiến.
"Chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp được triển khai ngay trong năm 2021 là chấm điểm uy tín các nhà thầu”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xây dựng bảng đánh giá uy tín các nhà đầu.
Cụ thể, nhóm 1: Những nhà thầu thực hiện đầy đủ, đúng các quy định và cam kết, điểm uy tín sẽ là tối đa.
Nhóm 2: Nhà thầu trúng thầu, khi thương thảo ký hợp đồng nhưng không ký, điểm uy tín sẽ thấp hơn.
Nhóm 3: Nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng nhưng khi thực hiện hợp đồng lại không thực hiện đúng như hợp đồng hoặc chất lượng giao hàng dự trữ không bảo đảm.
Nhóm 4: Nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng nhưng không thực hiện hợp đồng hoặc thực hiện dở dang. Nhóm này sẽ có điểm uy tín thấp nhất, và sẽ bị đưa lên hệ thống đấu thầu quốc gia.
Như vậy, những nhà thầu có lịch sử vi phạm sẽ bị hạ điểm và sẽ gặp bất lợi khi tham gia dự thầu trong thời gian tới.
Trước mắt, việc chấm điểm này được thực hiện với đấu thầu gạo, tiến tới thực hiện với đấu thầu vật tư, thiết bị.
Về chính sách pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ghi nhận ý kiến của Tổng cục Dự trữ Nhà nước về tăng chế tài và sẽ xem xét trong quá trình sửa Luật Đấu thầu trong thời gian tới.
Liên quan đến việc có đưa mặt hàng khẩu trang vào danh mục hàng dự trữ quốc gia khi thời gian qua, mặt hàng này trở nên khan hiếm bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Bình cho hay, từ tháng 4-2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào danh mục hàng dự trữ quốc gia, giao Chính phủ quy định chi tiết. Dự kiến, quý I-2021, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về việc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.