Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau Tết, choáng với “vũ điệu” của giá

Bài, ảnh: Bảo Nga| 30/01/2012 07:38

(HNM) - Sự bình ổn về giá hàng hóa, dịch vụ trên thị trường Hà Nội thời điểm trước Tết Nguyên đán không kéo dài được lâu. Ngay sau Tết, giá thực phẩm tại các chợ lại

Giật mình đi chợ đầu năm

Những năm trước, chị Thủy (ở phố Vân Đồn) có thói quen mua hàng hóa, thực phẩm dự trữ đầy tủ lạnh để ăn dần trong dịp Tết. Năm nay thì khác, dạo một vòng quanh siêu thị và các chợ trong những ngày áp Tết, chị Thủy ngạc nhiên thấy sức mua của người tiêu dùng giảm hẳn so với mọi năm, giá hàng hóa những ngày cận Tết chẳng khác là bao so với các ngày thường. Quyết định không mua sắm dự trữ thực phẩm, sáng mùng 2 Tết, chị dự định đãi cả nhà một bữa toàn rau. Nhưng ra đến chợ Nguyễn Cao, chị giật mình vì giá cả. Nếu trước Tết, một mớ rau muống chỉ có giá từ 8 - 10.000 đồng, thì nay người bán "hét" tới 35.000 đồng hoặc 60.000 đồng/kg rau. Một mớ rau cần 20.000 đồng, tăng 10.000 đồng; một mớ cải cúc 10.000 đồng, tăng 6.000 đồng; củ su hào 10.000 đồng, tăng gấp đôi so với ngày thường... Đậu phụ, một món ăn dân dã cũng tăng vọt từ 2.000 đồng lên 5.000 đồng/bìa.

Cá là một trong những thực phẩm giá tăng cao.


Tăng giá nhiều nhất phải kể đến mặt hàng thịt bò, thịt lợn. Tại một số chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn Hà Nội như chợ Nguyễn Cao, Phan Huy Chú, chợ Nguyễn Khắc Cần... ngày mùng 2 Tết giá một cân thịt bò bắp lên đến 450.000 đồng/kg, tăng từ 180.000 - 200.000 đồng/kg so với trước Tết. Giá thịt lợn cũng tăng từ 60 - 80.000 đồng/kg. Sang đến mùng 3, mùng 4 Tết, giá thực phẩm tuy có "hạ nhiệt" chút ít, người bán cũng đông hơn và lượng hàng hóa dồi dào hơn, song vẫn cao ngất ngưởng. Chị Mai, một người bán rau lâu năm tại chợ Nguyễn Cao cho hay: "Rau xanh đầy đồng nhưng thời tiết quá lạnh, khiến người trồng ngại thu hoạch. Gần 20 năm buôn bán tại chợ, chưa bao giờ tôi thấy rau muống lại bán theo cân như năm nay. Giá rau xanh, thịt cá quá đắt, nên người hỏi thì nhiều, người mua thì ít. Chưa năm nào chợ đầu năm lại ế ẩm như năm nay...".

Tại chợ cóc ở ngõ Phan Chu Trinh, mùng 5 Tết chỉ lèo tèo một hàng cá, vài ba hàng rau xanh, đậu phụ... Sau những mâm cỗ Tết đầy ắp thịt gà, giò chả... cá bao giờ cũng là lựa chọn số một của hầu hết các bà nội trợ, hai cô hàng cá làm việc không ngơi tay mới kịp phục vụ, dù giá cá sau Tết tăng mạnh. Cá chép to được bán với giá 180.000 đồng/kg, tăng từ 90.000 - 110.000 đồng; rô phi to cũng tăng giá từ 50.000 đồng lên 90.000 đồng/kg; cá trắm trắng cắt khúc từ 120.000/kg tăng lên 200.000 đồng/kg; trắm đen từ 160.000 đồng tăng vọt lên 250.000 đồng/kg...

Sau khi hỏi giá một số loại cá, chị Hoài Thu (phố Cầu Đất) tần ngần hồi lâu rồi quyết định chuyển sang mua tôm vì thấy giá cả ở chợ Hải sản 3 miền gần nhà tăng không đáng kể so với dịp trước Tết. Một người bán hàng tại đây cho biết: "Dịp Tết ngư dân thường nghỉ đi biển nên giá các mặt hàng hải sản tăng khoảng 50.000 đồng/kg. Trong vài ngày tới, khi thời tiết nắng ấm, ngư dân đi biển trở lại, hoạt động đánh bắt lại diễn ra bình thường, chắc chắn giá hải sản sẽ nhanh chóng bình ổn...".

Theo kinh nghiệm của những người bán hàng, giá các mặt hàng thực phẩm có thể sẽ ổn định dần sau một vài ngày tới, việc tăng giá chỉ là yếu tố tạm thời do nhiều lò mổ, chủ chăn nuôi đang trong kỳ nghỉ Tết. Đặc biệt khi hệ thống các siêu thị đồng loạt mở cửa, giá hàng hóa sẽ dần trở về giá cũ. Riêng mặt hàng rau xanh, củ quả được dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức cao đến sau Rằm tháng Giêng, vì bị thiệt hại nặng nề của đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhiều tuần qua, làm cho các loại rau không kịp lớn.

Nhiều dịch vụ cũng tăng giá

Nắm bắt tâm lý người dân, sau những ngày ngấy ngán với "mâm cao cỗ đầy" thường thèm những món ăn thanh đạm, ít béo, nhiều quán vỉa hè trên các tuyến phố Huế, Hàm Long, Lê Văn Hưu, ngõ Cấm Chỉ, Nguyễn Hữu Huân... đã mở hàng từ rất sớm. Những món ăn được bán trong dịp này thường là phở bò, bún riêu cua, bún ốc, bún cá, bánh cuốn... với giá cao gấp đôi ngày thường. Tại các hàng bún riêu cua, bún ốc, giá cũng tăng từ 20.000 đồng/bát lên 35.000 đồng/bát. Điều đáng nói, trong khi những hàng ăn nổi tiếng, có uy tín đều đang nghỉ Tết, các hàng ăn vỉa hè lại tranh thủ bày bán với giá cắt cổ. Do thiếu tính chuyên nghiệp, làm ăn kiểu chụp giật, nên chất lượng thực phẩm không ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm. Không chỉ hàng ăn uống, giải khát, giá các dịch vụ rửa, trông giữ xe máy, ô tô... cũng tăng cao ngất ngưởng. Muốn có một chiếc xe sạch sẽ để đi chơi Tết cùng gia đình, bạn bè, khách hàng phải bỏ ra từ 50.000 - 80.000 đồng cho một lần rửa xe ô tô. Riêng giá trông giữ xe tại các điểm vui chơi, trước cổng đền, chùa... thường tăng gấp đôi, thậm chí gấp chục lần ngày thường do lượng khách gửi xe tăng đột biến.

Bất chấp những cố gắng của cơ quan chức năng, giá hàng hóa, dịch vụ sau Tết dường như vẫn không nằm ngoài quy luật. Ngoài những lý do khan hiếm hàng hóa, dịch vụ thì sự vắng bóng của cơ quan kiểm tra và tâm lý ngày Tết "giá nào cũng mua" của người tiêu dùng đã tạo cơ hội cho người kinh doanh thỏa sức tăng giá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sau Tết, choáng với “vũ điệu” của giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.