Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau sáp nhập, lo độc quyền?

Việt Nga| 04/01/2012 07:48

(HNM) - Với ngành viễn thông di động, năm 2011 đánh dấu bằng sự kiện nổi bật: Chính phủ ra quyết định sáp nhập EVN Telecom vào Viettel kể từ ngày 1-1-2012. Theo các chuyên gia, đây là xu thế tất yếu diễn ra nhằm tái cấu trúc DN…


Tái cấu trúc DN là vấn đề lớn của cả nền kinh tế, nói một cách nôm na đó là sự sắp xếp lại DN cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Do vậy, đó cũng là dễ hiểu khi mà EVN Telecom sau một thời gian dài kinh doanh viễn thông nhưng kết quả là bị thua lỗ, nợ nần, từng được đối tác FPT mua lại cổ phần nhưng phải "bỏ của chạy lấy người" và cuối cùng phải sáp nhập vào Viettel. Hy vọng, với thực lực và tiềm lực của mình, dù phải "ôm" cục nợ của EVN Telecom, Viettel vẫn tiếp tục đạt thành công như cách mà họ đã làm trong 10 năm kể từ khi gia nhập thị trường viễn thông đến nay.


Với thực lực vững vàng, việc EVN sáp nhập vào Viettel sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và thị trường viễn thông. Ảnh: Thanh Hải

Trở lại câu chuyện Viettel tiếp nhận EVN Telecom, từ khi EVN Telecom đang còn chưa có câu trả lời chính thức, dư luận khi đó đã bày tỏ lo ngại, liệu việc sáp nhập này sẽ tạo ra thế độc quyền cho Viettel? Tuy nhiên, ngay sau đó ý kiến này đã bị bác bỏ, vì các chuyên gia đã khẳng định, trước hết thị phần của EVN Telecom quá nhỏ (chưa đến 1%) cộng với việc Viettel đang dẫn 36,72% thị phần di động, cộng lại là hơn 37%, thì Viettel chỉ là DN dẫn đầu thị phần, nên việc sáp nhập này không thể tạo điều kiện để trở thành DN có vị trí độc quyền. Giữ thị phần lớn về kinh doanh di động sau Viettel còn là Mobifone với hơn 29,11%, Vinaphone hơn 28,71%. Đó là còn chưa kể đến khó khăn do phải tiếp nhận một DN đang đứng trước nguy cơ phá sản, nên sẽ ảnh hưởng kết quả kinh doanh của Viettel. Như vậy, nguy cơ Viettel sẽ trở thành độc quyền sau khi tiếp nhận EVN Telecom là không thể. Song, có một vấn đề khác, đó là đầu năm 2011 Chính phủ ban hành Nghị định 25 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Đáng chú ý, văn bản này có quy định, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu hơn 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một DN viễn thông thì không được sở hữu hơn 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của DN viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định. Theo quy định này, VNPT sẽ hoặc phải cổ phần hóa (CPH) cả hai hoặc phải hợp nhất hai mạng di động này làm một. Tại buổi tọa đàm về triển vọng viễn thông 2012 mới được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, trả lời vấn đề này, đại diện VNPT cho biết, VNPT sẽ tìm ra phương án bảo toàn DN hoặc tự định đoạt để tiếp tục phát triển và nếu đi trái quy luật thì VNPT sẽ gặp khó khăn.

Vấn đề CPH DN di động đã được đặt ra từ 5 năm nay, song đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ". Các chuyên gia nhận định, năm 2012 sẽ là thời điểm để thực hiện CPH thì câu chuyện này cũng không thể nói là làm ngay được. Cho dù, CPH được dự đoán sẽ là tất yếu vì vào giai đoạn cạnh tranh mới, các DN viễn thông mà chủ yếu là DN nhà nước đã bộc lộ những hạn chế như thiếu vốn. Còn trường hợp, nếu VNPT thực hiện sáp nhập hai mạng di động Mobifone và Vinaphone làm một, vậy thị trường sẽ chỉ còn hai "ông lớn" là VNPT và Viettel, liệu khi đó hai ông lớn này có cùng bắt tay để lũng đoạn thị trường?! Lo ngại này không phải không có cơ sở khi mà các mạng nhỏ như Vietnamobile lượng thuê bao còn ít, S-Fone đang hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn, Beeline tuy đã công bố được "rót" thêm 500 triệu USD từ đối tác liên doanh, song với thị trường di động cũng chỉ như "muối bỏ bể"… Cho dù, một số ý kiến cho rằng, dù chỉ có 1-2 DN lớn, thị trường cũng không thể quay lại thế độc quyền như trước được… Song, có một thực tế, nếu chỉ có 2 DN lớn, chắc chắn tính cạnh tranh của thị trường sẽ giảm, khi đó người tiêu dùng lại ít được lợi nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sau sáp nhập, lo độc quyền?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.