(HNMO) – Đó là các bệnh: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm, dịch tả, lỵ, thương hàn…
Thông thường, sau mưa bão, lũ lụt, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh là rất lớn, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…
Nhiều tuyến đường trung tâm của TP Hải Phòng bị ngập nặng do ảnh hưởng cơ bão số 3. Ảnh: Dân trí |
Cơn bão số 3 đã ảnh hưởng lớn đến các tỉnh miền Bắc. Chính vì vậy, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố bị ảnh ảnh hưởng của cơn bão số 3 như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu yêu cầu tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm theo các khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong và sau bão lụt; triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau bão lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn xác động vật; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng yêu cầu tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…; duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm khi cần thiết.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu chủ động cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị ngập lụt; tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng, đảm bảo người dân có nước an toàn để sử dụng; bố trí đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cho các địa phương trong mùa bão lụt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.