Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Cần phát huy hiệu quả tích cực

Dương Hiệp - Mai Hữu| 06/02/2020 06:29

(HNM) - Sau hơn 1 tháng thực hiện, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đi vào cuộc sống (1-1-2020), đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội. Không chỉ là những biến chuyển đơn thuần về số liệu, quan trọng hơn là nhiều người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã dần hình thành hành vi chuẩn mực. Những hiệu quả tích cực này cần được thành phố tiếp tục duy trì và phát huy...

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Việt Hùng

Thói quen xấu dần thay đổi

Ông Nguyễn Hữu Tùng (thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất) cho biết, đầu xuân mọi năm ngày nào ông cũng say xỉn khi đến chúc Tết nhà người thân, hàng xóm. Thế nhưng năm nay, ông đã không còn bị say rượu nữa bởi các gia đình đều chỉ mời nhau nước trà, nước ngọt, không sử dụng bia, rượu. “Tôi và gia đình rất ủng hộ việc xử phạt nặng vi phạm quy định về nồng độ cồn. Bởi từ đó giúp người dân tự ý thức hơn về tác hại của việc sử dụng rượu, bia nói chung và khi tham gia giao thông nói riêng”, ông Nguyễn Hữu Tùng chia sẻ.

Ngay cả với người vi phạm bị xử phạt, họ cũng “tâm phục, khẩu phục”. Anh Nguyễn Hoàng Hải (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) cho biết, tối 3-2 anh đã bị phạt 2,5 triệu đồng và giữ phương tiện 7 ngày sau khi uống 2 cốc bia. “Đây sẽ là bài học nhớ đời và tôi cam kết sẽ không tái phạm”, anh Nguyễn Hoàng Hải nói.

Không chỉ với người dân, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng có những biện pháp riêng để ngăn ngừa lái xe sử dụng rượu, bia trong công việc. Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, chủ hãng xe Sao Việt cho biết rất ủng hộ những quy định về xử phạt trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Hiện trên các xe khách của Sao Việt đều gắn khẩu hiệu ở nơi dễ quan sát nhất để nhắc nhở lái xe, phụ xe cũng như hành khách từ bỏ thói quen sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Phạm Văn Ngọc cho biết: “Tôi và nhiều người thấy hiếm có luật, nghị định nào đi vào cuộc sống mà tạo ra hiệu ứng mạnh như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là thời điểm áp dụng đúng vào dịp Tết. Mức phạt cao đã khiến nhiều người phải nghiêm chỉnh chấp hành, thay đổi thói quen uống rượu, bia bất kể có tham gia giao thông hay không”.

Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã phát hiện, xử phạt 551 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trong đó, số người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về nồng độ cồn chiếm hơn 98% số trường hợp vi phạm. Còn Bộ Công an cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 17.386 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, phạt tiền hơn 53 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 10.695 trường hợp, tạm giữ 17.386 phương tiện các loại.

Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Dương Hiệp

Giữ nghiêm pháp luật, không có “du di”

Trong tháng 1-2020, trên toàn quốc xảy ra 1.300 vụ tai nạn giao thông, làm chết 591 người và làm bị thương 968 người. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song Thạc sĩ Phạm Gia Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức khẳng định, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai, số ca tai nạn giao thông nặng, chấn thương sọ não đưa vào bệnh viện liên quan đến rượu, bia đã giảm mạnh trong dịp Tết vừa qua.

Tại buổi họp giao ban đầu năm 2020 của Bộ Giao thông - Vận tải diễn ra sáng 31-1 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến rất tích cực. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã giảm nhiều. Rõ ràng, những quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống”.

Cũng như cả nước, mặc dù triển khai trong thời gian cao điểm diễn ra Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội đầu năm 2020, nhưng việc kiểm tra nồng độ cồn vẫn được lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội thực hiện đúng tinh thần “không có du di trong dịp Tết”. Thiếu tá Lê Văn Tiến, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 9 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua đơn vị xử lý 9 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, đa số vi phạm đều do cả nể nhau mà uống rượu, bia trong dịp đầu xuân.

Trên thực tế, không chỉ ở nội thành mà cả ở vùng nông thôn của thành phố Hà Nội, việc sử dụng tràn lan bia rượu đã giảm. Không chỉ biết sợ mà tránh sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, nhiều người dân còn thay đổi nhận thức và hành vi bằng việc hạn chế sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt thường ngày. Có được những kết quả này là nhờ lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền cũng như dứt khoát xử lý các trường hợp vi phạm, nhanh chóng đưa các quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP vào cuộc sống.

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho hay, đơn vị kiên quyết không để xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” khi xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn và nhiệm vụ này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm 2020. Công an thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị, bãi tạm giữ phương tiện 24/24 giờ, bảo đảm các yêu cầu về xử lý phương tiện.

Một trong những vấn đề người dân băn khoăn, lo ngại nhất hiện nay là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra đang diễn biến phức tạp, có thể lây lan khi thực hiện kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Giải đáp vấn đề này, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cảnh sát giao thông cho hay, Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh do nCoV, không để lây lan trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông. Theo đó, quá trình kiểm tra, xử lý, Cảnh sát giao thông phải tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ; bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo và mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định.

Kết quả rất tích cực, rất đáng mừng sau 1 tháng thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khẳng định, quy định trong hai văn bản này đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Phát huy những kết quả bước đầu, mỗi người dân, mỗi gia đình cần tiếp tục góp phần cùng các cơ quan chức năng giữ nghiêm pháp luật, duy trì hiệu quả lâu dài cho một cuộc sống bình yên và văn minh…  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Cần phát huy hiệu quả tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.