Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau gói 30.000 tỷ đồng, sẽ thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội

Hương Thủy| 06/03/2016 10:09

(HNMO) - Theo thông tin được ông Nguyễn Tiến Đông-Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế-Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiết lộ, sau gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, NHNN sẽ thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội theo qui định tại Nghị định 100/2015/N Đ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Trước băn khoăn của nhiều người dân và chủ đầu tư về việc đến ngày 1/6/2016, gói 30.000 tỷ đồng sẽ hết thời hạn giải ngân, ngân hàng sẽ ngừng giải ngân tiền hay là dừng cam kết cho vay tiền gói này và lãi suất được áp dụng sau khi gói vay kết thúc là như thế nào?, ông Nguyễn Tiến Đông-Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế-Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, theo qui định tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư 11/2013/TT-NHNN, việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 1/6/2013).

(ảnh minh họa, nguồn: Internet)


“Như vậy, chậm nhất là ngày 1/6/2016, NHNN sẽ ngừng giải ngân tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Phần dư nợ được giải ngân cho khách hàng sau ngày ngân hàng kết thúc giải ngân tái cấp vốn sẽ áp dụng lãi suất vay thông thường theo thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng đã ký của khách hàng và ngân hàng cho vay”, ông Nguyễn Tiến Đông nhấn mạnh.

Nếu số tiền đăng ký vay tiền vượt quá 30.000 tỷ thì sẽ giải quyết như thế nào? Ông Nguyễn Tiến Đông trả lời: Theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, NHNN thực hiện giải ngân tái cấp vốn căn cứ trên số tiền thực tế mà ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng, không căn cứ theo số tiền đăng ký vay. Hiện nay NHNN đang theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện cho vay của các ngân hàng để thực hiện giải ngân tái cấp vốn theo đúng qui định.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Tiến Đông tiết lộ, sau gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, NHNN sẽ thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội theo qui định tại Nghị định 100/2015/N Đ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, chương trình 30.000 tỷ đồng là giải pháp tạm thời của Chính phủ trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2015/N Đ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Nghị định 100). Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 25 ngày 9/12/2015 hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội và Công văn số 9496 ngày 10/12/2015 chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

“Như vậy, sau gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, NHNN sẽ thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội theo qui định tại Nghị định 100”, ông Nguyễn Tiến Đông nói.

Theo qui định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở thành thị; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu đô thị; cán bộ, công chức, viên chức… sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên; trường hợp khách hàng vay muốn vay với thời hạn ngắn hơn có thể thỏa thuận với ngân hàng. Để được vay vốn, các đối tượng nêu trên phải có đủ hồ sơ theo quy định; có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết; có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư; thực hiệm đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành bằng vốn vay; có đủ vốn tối thiểu tham gia và phương thức vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định…

Cũng theo Nghị định này, người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; đồng thời, chỉ được bán lại, cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sau gói 30.000 tỷ đồng, sẽ thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.