Thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội, từ cuối tháng 12-2022, Công viên Thống Nhất chính thức được hạ một phần hàng rào (khu vực dọc phố Trần Nhân Tông), trở thành công viên “mở”.
Sau 10 tháng triển khai, cùng với việc kết nối với không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận, các hoạt động của Công viên Thống Nhất đã tăng rõ rệt về chất lượng, cảnh quan, thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí.
Lượng khách tăng từ 20% đến 30%
Có mặt tại Công viên Thống Nhất sau 10 tháng thực hiện chủ trương “công viên mở”, phóng viên Báo Hànộimới cảm nhận rõ sự thay đổi về cảnh quan. Nhiều khu vực trước đây vốn chỉ được trồng thảm cỏ đơn điệu, nay đã được thay thế, cải tạo thành những vườn hoa xinh tươi, đầy màu sắc. Các điểm dịch vụ giải trí bên trong công viên, như nhà gương, tàu hỏa mini... cũng đã được cải tạo, nâng cấp trang thiết bị, đem đến sức sống mới, thu hút nhiều người vui chơi.
Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất Ma Kiên Hán chia sẻ, ngay sau khi hạ một phần hàng rào, đơn vị đã chủ động cải tạo, duy trì vườn hoa, tiểu cảnh, tạo không gian mở kết nối với tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông. Hàng rào sắt ngăn cách địa giới công viên trước đây đã được thay thế bằng “hàng rào mềm” là vườn hoa hồng dài 300m, diện tích 2.000m2. Bên trong công viên, đơn vị cải tạo, nâng cấp cảnh quan; sửa chữa, nâng cấp thiết bị vui chơi, giải trí, ốp vật liệu gốm khu vực nhà gương; tăng cường chiếu sáng,... Đặc biệt, các camera an ninh được lắp đặt để bảo đảm an ninh trật tự.
Theo ông Ma Kiên Hán, cùng với không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức trong và bên ngoài công viên, như: Triển lãm, giới thiệu các sản vật địa phương, văn hóa, văn nghệ,... đã giúp hoạt động của công viên sống động hơn trước. Việc chuyển từ “đóng” (có hàng rào, thu vé vào cửa) thành công viên "mở" cũng đã giúp tăng lượng khách 20-30%; dịch vụ giải trí cũng tăng 30%...
Chủ trương đúng cần nhân rộng
Việc hạ hàng rào Công viên Thống Nhất đã nhận được phản hồi tích cực của người dân. 100% người dân khi được hỏi đều ủng hộ và cho rằng không gian công viên thoáng đãng, đẹp hơn rất nhiều; các hoạt động giải trí cũng đa dạng, hấp dẫn hơn. Bà Nguyễn Bích Hiền (phố Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm) nói: "Tôi thấy chất lượng hoạt động của công viên “nâng tầm” lên rất nhiều. Không chỉ còn là nơi người dân quanh khu vực đến tập thể dục, công viên đã và đang thu hút đông người dân Thủ đô, du khách đến vui chơi, tham quan".
Theo kế hoạch cải tạo, xây mới các công viên, vườn hoa của UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Công viên Thống Nhất sẽ được thành phố đầu tư nâng cấp toàn diện. "Quy hoạch chi tiết 1/500 công viên đã được lập, đang trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND thành phố phê duyệt, làm cơ sở triển khai. Dự kiến, toàn bộ hàng rào bao quanh công viên sẽ dỡ bỏ để phát huy tối đa hiệu quả của công trình", ông Ma Kiên Hán nói.
Tại kỳ họp mới đây, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư hơn 886 tỷ đồng, cải tạo, nâng cấp 3 công viên: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024-2026. Trong đó, Công viên Thống Nhất được dành hơn 408 tỷ đồng để cải tạo. Ngoài việc bỏ hàng rào, công viên được đầu tư thêm một số hạng mục...
Bên cạnh đó, Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất cũng phối hợp UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức các buổi biểu diễn ca múa nhạc dân gian, triển khai các không gian ẩm thực, văn hóa, văn nghệ; mở không gian đọc sách; dành khu vực cho các hoạt động dã ngoại, cắm trại... Mục tiêu là tăng lượng khách, tiến tới giảm dần đầu tư từ ngân sách để vận hành công viên.
Đánh giá chủ trương công viên mở là đúng, nhất là trong bối cảnh lâu nay khu vực đô thị Hà Nội đang thiếu các không gian công cộng, điểm vui chơi, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, bên cạnh mở ra để người dân dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng không gian công cộng bình đẳng, cũng cần có biện pháp quản lý, khai thác công viên chặt chẽ, hạn chế hiện tượng tiêu cực. Bên cạnh đó, Công viên Thống Nhất cũng là công viên mang nhiều dấu ấn lịch sử, thời đại, là nơi Bác Hồ trồng cây. Cổng công viên (đường Lê Duẩn, Trần Nhân Tông) là kết quả của cuộc thi sáng tạo,... Vì vậy, trong quá trình “mở”, thành phố cần lưu ý xem xét các khu vực có giá trị lịch sử cần bảo tồn; quy hoạch các khu vực chuyên đề riêng về văn hóa, giải trí... để khai thác tối đa giá trị sử dụng, phục vụ mọi lứa tuổi.
Về định hướng “công viên mở” trong thời gian tới, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên cơ sở thí điểm, đánh giá tính hiệu quả, giải pháp quản lý phù hợp, sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hàng rào đối với Công viên Thống Nhất và các công viên có chức năng tương tự. Đối với một số công viên có tính đặc thù như: Bách Thảo, Thủ Lệ, để bảo đảm an toàn, bảo vệ động vật, Sở sẽ rà soát cân nhắc về điều kiện, mới tiến hành hạ hàng rào, bảo đảm hài hòa cảnh quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.