Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sát thực tế, tăng tính khả thi

Lê Hương| 19/11/2011 06:49

(HNM) - Xây dựng và triển khai chính sách vốn là trách nhiệm đặc thù của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ)… đã và đang có những đóng góp tích cực giúp cho việc hoạch định chính sách tại Việt Nam được hoàn chỉnh, giàu tính khả thi.

Nhận định này được đúc rút qua chương trình phối hợp nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Quỹ Rosa-Luxemburg Cộng hòa Liên bang Đức.

Hoàn thiện các quyết sách tại địa phương

Kết quả nghiên cứu của hai đơn vị này trên phạm vi cả nước cho thấy, việc tham gia quá trình hoạch định chính sách của các tổ chức CT-XH được thể hiện rõ nhất trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội (PBXH). PGS, TS Phạm Xuân Hằng, nguyên Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội, người có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này cho rằng, hoạt động PBXH là những ý kiến đóng góp của các tổ chức CT-XH nói chung, nhưng theo một cơ sở pháp lý cụ thể nhằm giúp Đảng, chính quyền hoàn thiện chính sách, hoàn thiện công tác lãnh đạo, quản lý.

Các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ đã đưa ra những phản biện hợp lý cho các công trình, đề án không khả thi, trong đó có dự án thay nước hồ Tây. Ảnh: Thu Giang

Đã từ lâu, ở Thủ đô, các tổ chức CT-XH, MTTQ rất tích cực đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo chính trị đại hội Đảng các cấp, các dự án luật, các chương trình quốc gia, chủ trương của TP. Nhiều ý kiến phản biện đã được chính quyền TP nghiêm túc tiếp thu và cho dừng những dự án không được dư luận nhân dân, nhất là giới khoa học đồng tình. Chẳng hạn, dự án thay nước Hồ Tây, dự án trung tâm thương mại trên phố 19 tháng 12, dự án khách sạn trong Công viên Thống Nhất… Tháng 4-2010, UB MTTQ TP Hà Nội xung phong đi đầu các tỉnh, TP trong cả nước, ký kết Quy chế phối hợp tổ chức PBXH với Thường trực HĐND, UBND TP. Hơn một năm qua, MTTQ TP và các đoàn thể đã phát huy dân chủ và trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong việc nhận xét, đề nghị, góp phần hoàn thiện các quyết sách của HĐND, UBND TP. Ngay ở công trình đầu tay - phản biện đề án thu học phí trong các trường công lập của UBND TP, MTTQ đã tập hợp được nhiều ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, chuyên gia, nhà giáo và phụ huynh học sinh, giúp cho đề án có tính khả thi cao, bảo đảm quyền và lợi ích của đại đa số gia đình ở Thủ đô.

Tại TP Cần Thơ, ông Trần Đức Hiếu, cán bộ UB MTTQ TP cho biết, thông qua giám sát ở hai lĩnh vực "dân chủ" và "dân sinh", MTTQ đã giúp HĐND, UBND TP có những quyết sách đúng đắn. Đơn cử như, MTTQ kiến nghị chính quyền TP giải quyết vấn đề kẹt xe, ngập nước, tăng học phí, giải tỏa đền bù, tái định cư cho dân, điện sinh hoạt cho các xã vùng ven… Cùng với việc tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, MTTQ TP Cần Thơ đã trợ giúp pháp lý cho người dân. Với các vụ việc giải quyết chưa thấu tình, đạt lý, Thường trực MTTQ mời UBND TP đến làm việc, nghe trình bày trực tiếp để có biện pháp giải quyết, giải tỏa bức xúc của người dân.

Đến vấn đề quan trọng của đất nước

Ngoài các tổ chức CT-XH, Đảng và Nhà nước cũng ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội dân sự đối với quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam. Trong nghiên cứu của mình, PGS, TS Phạm Bích San (Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam) đã chỉ rõ những đóng góp trong thực tiễn PBXH của các tổ chức xã hội dân sự (như Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam).

Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam dự định sẽ được xây dựng với chiều dài 1.700km, bằng số tiền vay 56 tỷ USD của nước ngoài. Theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam tiến hành tham khảo ý kiến các nhà khoa học về vấn đề này nhằm tư vấn cho Bộ. Kết quả tham vấn cho thấy, tồn tại rất nhiều vấn đề liên quan đến dự án xây dựng đường sắt cao tốc, từ hiệu quả kinh tế, công nghệ đến khả năng tài chính... Thông tin được cung cấp đầy đủ cho các cơ quan thông tin đại chúng chuyển tải đến bạn đọc, đồng thời thu hút sự chú ý của các đại biểu Quốc hội khi xem xét dự án thuộc thẩm quyền. Trên cơ sở các thông tin khoa học, cuối cùng, Quốc hội đã chưa thông qua dự án. Đây là trường hợp dư luận xã hội được truyền thông tạo ra trên căn bản các thông tin khoa học, đưa đến một quyết định của Quốc hội - không tán thành một dự án của cơ quan hành pháp. Một dẫn chứng khác là Đề án quy hoạch Thủ đô, nhờ có PBXH đã được hoàn thiện hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, chương trình nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng chỉ rõ những trở ngại của các tổ chức CT-XH, MTTQ trong quá trình tham gia hoạch định chính sách. Cụ thể là chưa bảo đảm đầy đủ các điều kiện để thực hiện PBXH (thể chế, cơ chế bảo đảm, cơ chế thực thi), cộng với nhiều hạn chế về khách quan, chủ quan đã ảnh hưởng tới việc tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của các tổ chức. Theo các nhà nghiên cứu, để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Nhà nước cần sớm thể chế hóa chủ trương về giám sát và PBXH mà Đại hội X của Đảng đã nêu, Đại hội XI tái khẳng định. Đây là vấn đề cốt lõi để MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH, đoàn thể khác thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và PBXH trong quá trình hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sát thực tế, tăng tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.