(HNMO) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong vài ngày tới, sau khi hoàn tất nối lưới và thử nghiệm, 5 dự án năng lượng tái tạo sẽ bắt đầu phát điện thương mại với tổng công suất 303 MW.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, đối với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ xem xét thỏa thuận giá tạm thời, sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới.
Công ty Mua bán điện (trực thuộc EVN) cho biết, đến cuối ngày 26-5, đơn vị đã hoàn thành đàm phán, ký biên bản và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 40/40 chủ đầu tư đề xuất giá tạm 50% khung giá trần. Trong hôm nay (27-5), EVN sẽ có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét, thông qua.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 19 dự án (hoặc một phần dự án) đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký hợp đồng mua bán điện. Ngoài ra, có 16 dự án đã nối lưới, đã và đang thử nghiệm; trong đó có 5 dự án đã hoàn thành thử nghiệm, đang thực hiện các thủ tục để phát điện thương mại. 9 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 26 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 32/85 dự án, với tổng công suất 1.576,05MW chưa gửi hồ sơ cho công ty mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.
Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), thời gian qua, các chủ đầu tư “chạy đua” giải phóng mặt bằng và thi công để kịp thời gian hưởng giá ưu đãi (giá FIT) dẫn đến chi phí đầu tư đắt đỏ. Vì thế, một số chủ đầu tư các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp coi khung giá mua điện năng lượng tái tạo thấp hơn kỳ vọng, không gửi hồ sơ để đàm phán giá điện với EVN, dẫn đến kéo dài thời gian đàm phán, gây lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, có nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên còn chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3-2023 nhưng sau 2 tháng vẫn không hoàn thiện.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua, các dự án năng lượng tái tạo đã và đang nhận được nhiều cơ chế ưu đãi. Chính sách ưu đãi về giá đã được công bố rõ ràng về lộ trình, mức giá, thời gian ưu đãi. Trong quãng thời gian đó, nhiều dự án quy mô rất lớn ở các địa phương dù khó khăn vẫn kịp tiến độ đưa vào vận hành để hưởng cơ chế giá FIT.
Theo xu thế không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, giá cơ chế FIT đều có xu hướng giảm dần. Như vậy, không phải dự án nào cũng ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả. Do đó, các nhà đầu tư cần nỗ lực trong việc tối ưu hóa công tác quản lý, quản trị, điều hành… để tăng hiệu quả sinh lời với khung giá mới. Những dự án có năng lực phát triển, vận hành dự án cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ có lợi thế hơn trong giai đoạn này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.